Tối 20/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 – năm 2024” đã tổ chức Lễ trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc, các tập thể đạt thành tích cao tại cuộc thi.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Thanh Hóa (thứ 3 từ phải sang) nhận giải “Tập thể xuất sắc” Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 – năm 2024.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phát biểu tại buổi lễ
Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 – năm 2024” do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện.
Cuộc thi được phát động từ tháng 10/2023, sau hơn 9 tháng triển khai đã nhận được gần 470.000 tác phẩm dự thi, trong đó có nhiều tác phẩm thể hiện sâu sắc tính Đảng, tính khoa học, tính chiến đấu. Các tác phẩm dự thi đều thể hiện sự đa dạng về hình thức, nội dung và phong cách; đảm bảo thông tin chính thống về quan điểm, chủ trương, những nội dung đổi mới, tầm nhìn tư duy chiến lược của Đảng ta qua gần 40 năm đổi mới; bám sát các vấn đề về lý luận, thực tiễn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều tác phẩm còn đề cập đến những vấn đề thời sự, có tính ứng dụng cao và mang lại nhiều góc nhìn mới về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn trao 12 giải A; 22 giải B; 37 giải C; 63 khuyến khích. |
Qua vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 12 giải A; 22 giải B; 37 giải C; 63 Khuyến khích.
Ban Tổ chức cũng trao 20 giải “Tập thể xuất sắc” cho các cơ quan, tổ chức, địa phương có quá trình tổ chức triển khai cuộc thi sâu rộng, sáng tạo tại cơ sở, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII tại địa phương, cơ quan, đơn vị; có nhiều tác phẩm tham gia dự thi đạt chất lượng tốt.
Tại buổi lễ, Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Thanh Hóa vinh dự được trao giải “Tập thể xuất sắc”.
Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức triển khai cuộc thi sâu rộng, có 2 tác phẩm tham gia dự thi đoạt giải C, đó là: Chuyên đề báo in 3 kỳ: “Chuyển hóa” thanh niên – lộ rõ âm mưu lôi kéo, kích động thâm độc của thế lực thù địch (Kỳ 1: Những âm mưu ẩn sau sự… “tĩnh lặng”; Kỳ 2: Tin phản động chính là “hại nước”; Kỳ 3: Thanh niên không cuộn tròn trong chiếc kén an toàn) của tác giả Lê Phượng (Báo Thanh Hóa); Loạt 3 kỳ loại hình phát thanh: Trị bệnh “ngại học, lười học” lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên – cần có những giải pháp kịp thời, hiệu quả của tác giả Lê Thị Ánh (Trung tâm Chính trị huyện Đông Sơn).
Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Thanh Hóa vinh dự được trao giải “Tập thể xuất sắc” |
Trong đó, loạt bài chuyên đề báo in về “Chuyển hóa” thanh niên – lộ rõ âm mưu lôi kéo, kích động thâm độc của thế lực thù địch, đã tập trung phản ánh thực trạng, đặc điểm, nhận thức của thanh niên ngày nay dẫn đến “cơ hội” để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, “chuyển hóa tư tưởng” nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Tác phẩm cũng đồng thời đề cập những giải pháp cụ thể để thanh niên tham gia góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đối với loạt bài 3 kỳ loại hình phát thanh: Trị bệnh “ngại học, lười học” lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên – cần có những giải pháp kịp thời, hiệu quả, tác giả đã đi sâu phản ánh thực trạng đáng báo động trong cán bộ, đảng viên về biểu hiện và tâm lý ngại học, lười học lý luận chính trị. Tác phẩm cũng kịp thời đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục “căn bệnh” này trong thời gian tới.
Thanh Hóa có 2 tác phẩm đoạt giải C là:
|
Ngoài giải chính thức, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao giải cho tác giả cao tuổi nhất tham gia cuộc thi và tác giả trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi; 20 giải Triển vọng cho tác phẩm dự thi của tác giả, nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên, sinh viên lọt vào vòng chung khảo và có số điểm cao nhất trong số tác phẩm của đoàn viên, thanh niên, sinh viên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ý nghĩa và sự thành công của Cuộc thi đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thông qua Cuộc thi, góp phần củng cố niềm tin, sự thống nhất, đoàn kết trong đảng, hệ thống chính trị; đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên để xây dựng lực lượng tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; xây dựng các tuyến bài viết chính luận phong phú, có chất lượng đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở phạm vi cả nước.
Để phát huy cao nhất giá trị Cuộc thi, tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị 4 nội dung cần thực hiện đó là:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng – lý luận chính trị; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhiệm vụ hệ trọng của cả hệ thống chính trị trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thứ hai, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch phải gắn chặt với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân là yếu tố then chốt nhất.
Thứ ba, kiên định, bảo vệ đi đôi với bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới; xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận cơ bản về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn cách mạng mới.
Thứ tư, xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với củng cố thế trận lòng dân trên cơ sở thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, nền an ninh Nhân dân vững chắc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng với uy tín và sức lan tỏa đã được tạo lập, Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, phục vụ ngày càng hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thay mặt Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đã phát động cuộc thi lần thứ 5 năm 2025.
Lê Phượng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thanh-hoa-doat-giai-tap-the-xuat-sac-va-2-giai-c-cuoc-thi-chinh-luan-ve-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-lan-thu-4-228143.htm