UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024 là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về THTK, CLP.
Công tác THTK, CLP năm 2024 tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đã được HĐND tỉnh quyết nghị để góp phần đảm bảo GRDP năm 2024 đạt 11,0% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên; công nghiệp – xây dựng tăng 14% trở lên; dịch vụ tăng 9,2% trở lên; thuế sản phẩm tăng 13,8% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 12,9%; công nghiệp – xây dựng chiếm 49,5%; dịch vụ chiếm 31,1%; thuế sản phẩm chiếm 6,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6000 triệu USD; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 135.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 6.200 ha; thêm 01 huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 2 huyện, 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt 39% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 9,5% trở lên.
Khắc phục các hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 53/NQCP ngày 14/4/2023 của Chính phủ; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, kiến nghị, giải pháp đảm bảo chất lượng, tiến độ và yêu cầu của các Nghị quyết.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu THTK, CLP theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.
Đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,…; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung hoàn thiện quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đem lại hiệu quả cao và bền vững.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, xác định đây là nhiệm vụ, giải pháp căn bản để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về THTK, CLP. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị.
TS (Nguồn: UBND tỉnh)