Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam đã làm nên một sự kiện “long trời, lở đất” chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Tranh sơn dầu về khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), ngày 24/7/1945. (Tư liệu Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)
Từ đây Nhân dân Việt Nam đã thật sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của quốc gia dân tộc. Với ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Hiếm có đất nước nào lại có hai mùa thu như đất nước Việt Nam ta: Mùa thu thiên nhiên và mùa thu cách mạng. Một mùa thu xanh thắm đất trời rạo rực lòng người và mùa thu Cách mạng Tháng Tám như một dấu ấn mốc son lịch sử chói lọi, một bản hòa ca âm vang. 79 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn ngỡ như đang được sống lại những ngày dào dạt tưng bừng ấy. Tổng Bí thư Trường Chinh – người chủ trì hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12/3/1945 đã kịp thời ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chỉ đạo đường lối chiến lược tạo tiền đề quyết định cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám khi thời cơ đến. Ông cũng là nhà thơ mang bút danh Sóng Hồng viết những câu thơ tràn đầy cảm hứng hào sảng trước thắng lợi vẻ vang: “Cách mạng Tháng Tám chỉ trong 20 ngày mà làm đổi thay tất cả/ Không còn nữa kiếp người nô lệ/ Toàn dân ta đã được đổi đời/ Đất nước từ nay độc lập tự do/ Kìa! Tương lai rạng rỡ sáng ngời”. Nhà thơ Tố Hữu – lá cờ đầu của thơ ca cách mạng là người lãnh đạo cướp chính quyền ở Huế đã không kìm nén được cảm xúc say sưa với một niềm “Vui bất tuyệt” như tên một bài thơ ông viết trong những ngày sôi nổi ấy: “Ai dám cấm ta say, say thần thánh?/ Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”. Thời gian sẽ qua đi nhưng ký ức những ngày Cách mạng Tháng Tám với thắng lợi vẻ vang sẽ không bao giờ quên những phút giây thời khắc lịch sử trọng đại ấy. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang giai điệu hào hùng, tiết tấu âm nhạc như hồi kèn hiệu lệnh vang xa vừa dõng dạc trang nghiêm vào rạo rực hào khí cách mạng thức tỉnh mọi người nhất tề đứng lên trong ca khúc “Mười chín tháng tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh: “Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đem tới/ Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng/ Máu pha tô đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn”.
Cảm hứng cách mạng đã thành cảm xúc thi ca, âm nhạc cộng hưởng với muôn vàn con tim chung nhịp đập một niềm tự hào về trầm tích lịch sử quá khứ, một niềm hân hoan niềm tin và tươi sáng về tương lai. Tất cả hòa chung tạo nên bản giao hưởng với muôn cung bậc hội tụ lòng người. Cách mạng Tháng Tám là đỉnh cao của cao trào cách mạng qua 2 cuộc diễn tập là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) và phong trào cách mạng dân chủ (1936-1939). Phải trải qua một chặng đường lịch sử biết bao gian khó hy sinh; và khi thời cơ đã đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Và kỳ diệu thay chỉ sau hơn nửa tháng Đảng ta mới chỉ 15 tuổi đời cùng lực lượng nhỏ bé của mình khoảng 5.000 đảng viên đã tổ chức cách mạng thành công trên cả nước.
Sức mạnh nào, bí quyết nào mà có những bước chuyển biến sâu rộng nhanh chóng với những thắng lợi vẻ vang như thế? Trước hết đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc được hội tụ và kết tinh thành sức mạnh to lớn. Tinh thần bất diệt đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám đó là do nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng, dưới sự lãnh đạo tài ba và vô cùng sáng suốt của Bác Hồ kính yêu đã chớp thời cơ thuận lợi, lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành tổng khởi nghĩa đánh đổ đế quốc phong kiến thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với tinh thần độc lập tự chủ dựa vào sức mạnh chủ động sáng tạo xóa bỏ xiềng xích nô lệ đưa dân tộc Việt Nam lên một vị trí mới với những ý nghĩa về chính trị – xã hội, nhân văn sâu sắc. Cuộc cách mạng ấy để lại nhiều giá trị và bài học vô cùng quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc. Năng lượng của Cách mạng Tháng Tám đã khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn, đã kích hoạt lòng tự hào niềm tin của mỗi con người với đất nước. Một đất nước của thi ca nhạc họa của thiên nhiên bốn mùa xanh tươi nắng ấm nhiệt đới. Một đất nước giống như con đê trên bán đảo, lưng tựa dãy Trường Sơn sừng sững, mặt đối diện với biển đông sóng gió trụ vững qua bao bão táp. Đất nước ấy, những con người ấy không chỉ làm ra lịch sử mà còn nâng lịch sử lên một tầm cao mới đến với nhân loại. Lịch sử như một dòng chảy lắm khi quanh co uốn khúc trầm luân nhưng luôn hướng về phía trước như muôn dòng sông đổ về khát khao biển cả. Cách mạng Tháng Tám là như vậy, không chỉ oanh liệt chống ngoại xâm, không chỉ dừng lại ở việc giành chính quyền mà còn thay đổi sâu sắc cả cơ tầng xã hội khi sinh ra những con người mới, đời sống mới. Khái niệm giành chính quyền độc lập không chỉ là lãnh thổ, là quyền tự trị, là sự lớn mạnh về tiềm năng quân sự mà còn là sự đúc kết phát triển hùng mạnh về văn hóa. Một nền văn hóa Việt, tâm hồn Việt từ thiên niên đất nước Việt như Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã tuyên bố: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Giá trị của Cách mạng Tháng Tám bất diệt có sức sống trường tồn mãi mãi.
Sức sống bất diệt của tinh thần Cách mạng Tháng Tám được phát huy cao độ kết hợp với sức mạnh của chế độ mới – chế độ dân chủ Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân Việt Nam tạo nên hợp lực to lớn giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, từng bước quá độ tiến lên CNXH trở thành hậu phương cho cách mạng cả nước. Đất nước ta 21 năm kiên cường kháng chiến chống Mỹ với cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Có một mối liên hệ về cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thần tốc chỉ với 15 ngày với tốc độ “Thần tốc, thần tốc hơn nữa – Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của chiến dịch Hồ Chí Minh trong hơn một tháng đã toàn thắng. Phải chăng đó là tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt được phát huy cao độ sự tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang.
Trong những ngày thu lịch sử tháng 8 rất đẹp này, lòng chúng ta lại vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã suốt đời vì nước vì dân; Người đã đúc kết nên một chân lý mang tính thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; Người đã để lại bản di chúc có giá trị to lớn cho toàn Đảng, toàn dân mà chỉ nhận về mình 79 chữ (như 79 tuổi) khi nói về việc riêng của mình. Chúng ta lại càng tự hào dân tộc ta đã phát huy thắng lợi to lớn vẻ vang và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám để có non sông đất nước hôm nay như cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Một đất nước mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng khái quát bằng hình tượng rất đẹp: “Nước Việt Nam từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng lòa…”.
Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cach-mang-thang-tam-thang-loi-ve-vang-tinh-than-bat-diet-222504.htm