Với cuộc cách mạng mùa thu tháng tám năm 1945, Nhân dân Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, đã lập nên một kỳ tích vĩ đại. Đó là thiết lập nên chính quyền dân chủ Nhân dân và góp phần cùng cả nước mở ra một thời đại mới: Thời đại xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quảng trường gắn liền với cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 – Bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc. Ảnh: tư liệu
Xứ Thanh “đêm trước” cách mạng
Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn kết thúc. Ở Việt Nam, phát xít Nhật tìm cách hất cẳng thực dân Pháp và tăng cường đàn áp, vơ vét, bóc lột Nhân dân ta. Thực tế, từ khi nhảy vào chiếm Đông Dương, phát xít Nhật đã đặc biệt quan tâm đến Thanh Hóa, không chỉ vì vị trí địa lý trọng yếu, mà còn cả những nguồn nhân tài, vật lực dồi dào của xứ này. Bởi vậy, chúng tăng cường binh lính Nhật chiếm giữ các vị trí trọng yếu như TP Thanh Hóa, Ghép, Sầm Sơn… Đặc biệt, các công trình quân sự như kênh Hồ Thượng, sân bay Lai Thành do người Nhật thực hiện đã huy động hàng triệu lượt nhân công Thanh Hóa, là biểu hiện cao độ sự bóc lột của phát xít Nhật ở Thanh Hóa. Cùng với nạn lụt lội, mất mùa, sự vơ vét của phát xít Nhật và thực dân Pháp đã dẫn tới nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, cũng như Thanh Hóa, còn để lại bao nỗi kinh hoàng cho những người từng chứng kiến.
Tại Thanh Hóa, khoảng đầu năm 1945, phát xít Nhật cho “chở về một xe bò đầy, toàn giấy bạc 1.000, 500 và 100 đồng. Chúng cho lũ tay sai đi các vùng quê mua lúa, có khi đắt hơn giá chợ. Chúng vơ vét hết lúa để triệt lương quân đội du kích, quân đội Đồng Minh”, với âm mưu thâm độc hòng đẩy “dân chúng vào cảnh đói hơn trước để không còn tinh thần, lực lượng mà chiến đấu được nữa”. Chính sách vơ vét tàn bạo của bè lũ xâm lược đã khiến Nhân dân Thanh Hóa rơi vào cảnh tiêu điều.
Điển hình là các trận bão, lụt liên tiếp trong các tháng 7, 9, 10 năm 1944 đã gây hậu quả nặng nề cho các huyện ven biển Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn ngày nay), làm hàng chục ngàn người chết đói. Tại Hoằng Hóa, riêng thôn Lương Hà (xã Hoằng Thanh) có tới nửa làng chết đói; hay 2 làng Trù Ninh và Thọ Văn của xã Hoằng Đạt và Hoằng Phúc (nay là thị trấn Bút Sơn) có tới hơn 300 người chết đói. Tại làng Thủ Phú, xã Quảng Đại (Quảng Xương), trong tổng số 218 hộ/1.141 nhân khẩu, nạn đói năm 1945 đã làm 217 người chết (chiếm 19,01% tổng số dân); 61 hộ có người chết đói (chiếm 27,98% tổng số hộ) và 35 hộ bị chết hết (chiếm 16,05% tổng số hộ)…
Là người chứng kiến thảm cảnh chết chóc ấy, tháng 4-1945, Vespy – một người Pháp, đã ghi lại: “Họ đi thành rặng dài bất tận gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân loã lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy, ngay cả đến những thiếu nữ đã đến tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thực lấy làm xấu hổ thay cho cái kiếp con người”.
Trong tài liệu “Bằng chứng và tư liệu Pháp có liên quan tới chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam”, một tác giả cho biết rằng: “Nạn đói to lớn năm 1944-1945 đã cướp đi hơn 2 triệu người là kết quả không tránh khỏi của một đường lối chính trị có dụng ý theo đuổi một mục đích kép: Mục đích chính trị là: Làm chết một bộ phận quan trọng dân chúng và nhấn chìm số còn lại trong nạn đói; đó là cái dây phanh hữu hiệu để hãm bớt nhiệt tình yêu nước mà Thống sứ Bắc Kỳ Sôve đã tìm thấy. Mục đích kinh tế là: (a) Cho phép một vài công ty Pháp (Denis Frèros), Nhật (Mitsui, Mitsubishi…) tích trữ hàng triệu tấn gạo được mua với giá rẻ để rồi lại bán giá đắt như vàng. (b) Dễ dàng tuyển mộ những cu ly cho các đồn điền và hầm mỏ”.
Cũng có nhận định cho rằng, việc tìm hiểu, nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và những hậu quả của nó không chỉ có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu lịch sử để tìm hiểu về hiện thực lịch sử đã diễn ra; mà còn có tác dụng đối với việc lên án những tội ác của chủ nghĩa phát xít, sự tàn bạo của chiến tranh và tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Có thể nói, thảm trạng tăm tối của “đêm trước” Cách mạng Tháng Tám đã “ghim” vào lịch sử dân tộc, bằng nạn đói kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu đồng bào ta. Nạn đói để nhắc nhở chúng ta về sự tàn bạo của các thế lực ngoại xâm và sự tàn khốc của chiến tranh. Đồng thời, như dân gian vẫn nói “tức nước vỡ bờ”, khi phát xít và bè lũ tay sai dồn Nhân dân ta vào bước đường cùng, thì cũng sẽ thổi bùng lên ngọn lửa căm thù và tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi mạnh mẽ nhất.
“Đòi ăn” – cuộc tập dượt lớn
Chính sách bóc lột dã man của phát xít Nhật và bè lũ tay sai, cùng với nạn đói khủng khiếp đã “đổ thêm dầu vào lửa”, thổi bùng các phong trào đấu tranh cách mạng dưới nhiều hình thức như biểu tình, mít tinh chống thuế, chống đi phu, đi lính, chống nhổ lúa trồng đay, đòi cơm ăn… ở khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Đình Bảng (Từ Sơn, Hà Bắc cũ) đã phân tích, nhận định tình hình mới và ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; đồng thời, quyết định phát động cao trào đánh đuổi phát xít Nhật cứu nước trong toàn quốc. Sau khi nhận được Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng sáng tạo Chỉ thị và chủ động đề ra nhiều chủ trương đúng đắn. Theo đó, đã xây dựng nhiều tổ chức để lôi kéo, tập hợp các lực lượng cách mạng vào những mục tiêu, những vấn đề sống còn như chống bắt phu, bắt lính, chống nhổ lúa trồng đay, phá kho thóc cứu đói…
Đặc biệt, ngày 5-3, Tỉnh bộ Việt Minh đã ra Chỉ thị “Đòi ăn”. Chỉ thị nêu rõ: “Nạn đói trầm trọng, dai dẳng đang giày vò dân chúng! Hàng mấy mươi vạn đồng bào không còn gì ăn. Số chết đói đã rất lớn và còn tăng lên nữa. Giặc Pháp lo sợ nạn đói bốc lòng phẫn uất của Nhân dân, nhưng chúng cũng lợi dụng nạn đói mà cướp thêm lúa của nhà giàu; mượn tiếng cứu tế dân nghèo, chúng chỉ bán lại một phần lúa, còn giành một phần để nuôi lính mới mộ thêm cho chúng”. Bản Chỉ thị đã đề ra những hình thức đấu tranh chống đói như: làm đơn xin cứu tế hoặc cho vay, biểu tình “đòi ăn”, thuyết phục các nhà giàu cho dân vay và không nộp lúa cho giặc… Việc thực hiện Chỉ thị “Đòi ăn” đã tạo thành một phong trào đấu tranh sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, từ việc phát động cho vay, đến việc biểu tình phá kho thóc chia cho dân nghèo.
Điển hình là sự kiện phá kho thóc tại trại Xếp Nghĩa (tổng Xuân Phong, phủ Thiệu Hóa, tháng 3-1945) đã mở đầu cho phong trào phá kho thóc nổ ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Xếp Nghĩa là một địa chủ lớn trong vùng, có hơn 150 mẫu ruộng đem phát canh thu tô. Giữa lúc dân đói thì ở đây thóc xếp chật ních các kho. Việt Minh Thiệu Hóa đã lãnh đạo Nhân dân 2 tổng Xuân Lai và Xuân Phong, được tự vệ hỗ trợ, kéo đến phá kho thóc. Số thóc thu được đã được chuyển đi cứu đói cho Nhân dân nhiều làng trong vùng. Tiếp đó, ở Hoằng Hóa, Nhân dân phá kho thóc của lý trưởng làng Đằng Trung (xã Hoằng Đạo), tịch thu 3 tấn thóc chia cho dân nghèo. Tháng 4-1945, hơn 300 quần chúng thuộc 2 tổng Xuân Trường và Sen Cử (huyện Hậu Lộc) kéo đến tịch thu kho thóc của các chánh tổng Bùi Thuyết (Ngư Lộc); Phạm Thế Huynh, Phạm Thuần (Đa Lộc)…
Có thể nói, khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cùng với Chỉ thị “Đòi ăn” của Việt Minh Thanh Hóa đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của Nhân dân cả nước, Nhân dân Thanh Hóa lúc bấy giờ. Phong trào được đánh giá là có ý nghĩa cách mạng sâu sắc. Đó là sự động viên, tập dượt đội quân cách mạng của quần chúng Nhân dân lao động trong thực tiễn chiến đấu, đi từ hình thức đấu tranh chính trị, tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Việc tổ chức phá kho thóc cứu đói ở các địa phương đã làm cho Nhân dân càng thêm tin tưởng vào sức mạnh đại đoàn kết; đồng thời, trình độ giác ngộ cách mạng của giai cấp nông dân được nâng cao, càng củng cố quyết tâm đánh đổ bọn phát xít và bè lũ phong kiến.
Khí thế cách mạng ngày càng lên cao, càng làm cho thế lực của địch nhiều nơi trở nên suy yếu. Hệ thống cai trị của địch từ cấp cơ sở (làng, tổng) đến cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng lung lay. Trong nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa… chính quyền tay sai hầu như tê liệt và bị vô hiệu hóa. Quần chúng ngày càng tin tưởng và mến phục Việt Minh, càng hăng hái tham gia vào các đoàn thể cứu quốc. Cao trào chống Nhật cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong những ngày tiền khởi nghĩa, đã tạo ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy tình thế khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi.
Hừng hực lửa cách mạng
Bước ngoặt đánh dấu sự chuyển biến của phong trào cách mạng, đồng thời mở đầu cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, là cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa ngày 24-7-1945. Khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở Hoằng Hóa được đánh giá là một nét sáng tạo và táo bạo của Đảng bộ Thanh Hóa, của chi bộ Đảng và Việt Minh Hoằng Hóa trong công tác chỉ đạo cách mạng. Hoằng Hóa nằm sát ngay trung tâm kinh tế – chính trị, các cơ quan đầu não của địch, có vị trí rất thuận lợi cho địch nhưng lại nhiều bất lợi cho cách mạng. Thế nhưng, địa phương đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi và sau khi đập tan bộ máy thống trị của thực dân, phong kiến, đã tổ chức đánh bại ba đợt tấn công phục thù của chúng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hoằng Hóa đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ cao trào cách mạng trong toàn tỉnh. Để rồi những ngày đầu tháng 8-1945, không khí cách mạng càng trở nên sôi sục, báo hiệu sự bùng nổ của cơn bão táp cách mạng đang cận kề. Nhiều khu căn cứ cách mạng lên tới hàng trăm làng, được hình thành và mở rộng ở khắp các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Hà Trung, Hậu Lộc… Các cuộc đấu tranh với nhiều hình thức phong phú như tuần hành, tấn công các đồn bốt của địch ngày càng dồn dập và lan rộng. Điển hình như đầu tháng 8, hơn 500 quần chúng và tự vệ vũ trang của ba tổng Nam Dương, Bất Nạo, Kiên Thạch (Thọ Xuân) tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Phong Bái (Thọ Nguyên). Sau khi nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết, cuộc mít tinh phát triển thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng rầm rộ dọc đê sông Chu, đến trước cổng đường Tri phủ rồi qua nhiều làng của các tổng Kiên Thạch, Bất Nạo. Quần chúng cách mạng hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Chính quyền địch hoảng sợ trước sức mạnh quần chúng, không dám ngăn cản cuộc tuần hành.
Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng (làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa). Căn cứ tình hình cách mạng ở Thanh Hóa, hội nghị chỉ rõ: tình thế cách mạng đã chín muồi, nên đã tập trung bàn và xây dựng kế hoạch chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa. Chiều 15-8, khi nhận được tin Nhật đầu hàng quân đội Đồng Minh, hội nghị đánh giá thời cơ khởi nghĩa đã đến và đã rất nhạy bén, sáng suốt quyết định phát động tổng khỏi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 17-8, chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được phổ biến tới các huyện, thị xã. Các đồng chí trưởng ban khởi nghĩa các phủ, huyện được tỉnh phân công, đã kịp thời về địa phương phụ trách, cùng với chi bộ Đảng, Ban cán sự Việt Minh gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện và vạch kế hoạch tác chiến.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Thanh Hóa đã diễn ra nhanh, gọn, chỉ trong vòng 1 tuần và tập trung chủ yếu trong hai ngày 18 và 19-8-1945, trên hầu khắp các huyện đồng bằng và thành phố. Khác với nhiều tỉnh bạn, mặc dù lệnh tổng khởi nghĩa từ Trung ương chưa nhận được, nhưng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã căn cứ vào tình hình địa phương, phát động tổng khởi nghĩa khi thời cơ đã chín muồi. Quyết định này kết quả phân tích khách quan, khoa học và nhạy bén của bộ máy lãnh đạo Đảng bộ tỉnh, mà thực tiễn đã chứng minh là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với nhận định của Trung ương Đảng. Đồng thời, phương pháp giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa cũng là biểu hiện sáng tạo của Đảng bộ Thanh Hóa. Xuất phát từ việc nhận định đúng tình hình thực tế, cũng như thời cơ cách mạng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện miền xuôi, đồng bằng và thành phố: nơi nào có phong trào mạnh, sẽ tổ chức khởi nghĩa trước, sau đó tập trung hỗ trợ nơi phong trào còn yếu; và giành chính quyền ở miền xuôi trước, tiến đến giành chính quyền ở các châu miền núi. Thành công của tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa còn là thành quả từ chính sách đại đoàn kết dân tộc linh hoạt và sáng suốt. Theo đó, Thanh Hóa đã biết đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, lôi kéo mọi lực lượng có thể lôi kéo; đồng thời kiên quyết trấn áp và vạch mặt bọn phản động chống đối cách mạng.
Bàn về “Di sản của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, PGS. TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cho rằng: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Tỉnh ủy và Việt Minh Thanh Hóa đã huy động được quần chúng Nhân dân đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi trong vòng một tuần. Đó là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mau lẹ, ít đổ máu và ít thiệt hại. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có sự đóng góp to lớn của Thanh Hóa – tỉnh đất rộng, người đông, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Đó cũng là thắng lợi của ý chí và tinh thần quật khởi của toàn dân vì mục tiêu độc lập dân tộc!
Khôi Nguyên
(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn Lịch sử Thanh Hóa tập V, 1930-1945).