Những ngày này, cùng với cả nước, các địa phương trong tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác, mọi ký ức đẹp đẽ về những lần được gặp Bác kính yêu dường như sống lại nguyên vẹn trong trái tim của những người từng vinh dự được gặp, được nghe Người trò chuyện và căn dặn.
Ông Trương Tiến Ba, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ.
Ở tuổi 91, sức khỏe có phần giảm sút nhưng trong trái tim của người lính hải quân Trương Tiến Ba, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) vẫn vẹn nguyên cảm xúc về những lần được gặp Bác Hồ. Ông Ba tự hào kể: “Năm 1959, khi tôi đang công tác dưới hầm Tàu 524 (thuộc Trường Huấn luyện Hải quân) thì nghe thấy tiếng đồng đội trên boong tàu reo lên “a, Bác Hồ đến”. Tôi vội vàng chạy lên. Bao lâu nay chỉ được nghe tiếng Bác nói trên đài, được nhìn thấy Bác qua những tờ báo nên khi được trực tiếp gặp Bác, ai nấy đều vô cùng vui sướng. Chẳng những được gặp Bác, tôi cùng đồng đội còn được tháp tùng Bác đi thăm một số địa điểm bằng tàu. Đến bữa ăn, Bác được bố trí ăn riêng cùng một số cán bộ cấp cao, thế nhưng Bác bảo anh em chúng tôi cùng ngồi ăn chung với Bác. Tôi thấy Bác giản dị và gần gũi vô cùng. Cho đến giờ, những giây phút quý giá đó tôi không bao giờ quên được”.
3 năm sau đó, ông Trương Tiến Ba chuyển về công tác tại Cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) và một lần nữa ông lại vinh dự được gặp Bác khi Người đến thăm Cảng Vạn Hoa ngày 13/11/1962. Trong buổi nói chuyện với đơn vị hôm ấy, Bác đã dặn dò nhiều điều nhưng ông nhớ nhất là bài học được liên hệ từ chiếc đồng hồ. Ông Ba kể: “Khoảng 10 giờ trưa, các đơn vị tập trung trên sân cảng để nghe Bác nói chuyện. Sau khi thăm hỏi tình hình sức khỏe anh em, Bác rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt rồi hỏi anh em rằng: Trên mặt chiếc đồng hồ có những gì?. Chiếc kim chạy hay đứng, chữ số đứng hay chạy?. Nếu giờ chữ số nói muốn chạy, còn chiếc kim nói muốn đứng thì có được không?. Nếu có sự luân chuyển cho nhau như thế thì chiếc đồng hồ có dùng được không?. Sau những câu hỏi về chiếc đồng hồ, Bác bắt đầu liên hệ đến chiếc tàu và đơn vị. Bác nói “Một con tàu, một đơn vị cũng vậy, có nhiều ngành nghề khác nhau, có người làm việc dưới nước, có người làm việc trên bờ. Nếu người dưới tàu muốn lên bờ, còn người trên bờ muốn xuống tàu thì đơn vị có mạnh được không?. Vì vậy các cô, các chú phải yên tâm công tác, công việc nào cũng quan trọng và vẻ vang cả. Từ chiếc đồng hồ, Bác căn dặn toàn đơn vị phải thực hiện tốt 4 điều: Phải nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu; phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; phải giữ gìn tàu thuyền, vũ khí chiến đấu; phải tích cực tham gia sản xuất, cải thiện đời sống”.
“Những bài học từ Người luôn hằn sâu trong ký ức của tôi. Vì thế, dù kinh qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, rồi về hưu, sống và làm việc tại địa phương, tôi vẫn luôn ghi nhớ và học theo Bác cách sống gần gũi, giản dị, tiết kiệm” – ông Ba xúc động chia sẻ.
Lật lại hồi ức về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Cao Xuân Thọ, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) – người 4 lần được gặp Bác Hồ và được Bác tặng Huy hiệu, phấn khởi kể: “Trong những lần tham gia chiến dịch Thu Đông, Hòa Bình, Thượng Lào, tôi cùng hai đồng chí nữa được bầu là chiến sĩ thi đua xuất sắc của toàn đoàn thanh niên xung phong (TNXP). Vì vậy, tháng 12/1953, tôi được về chiến khu Việt Bắc dự Đại hội chiến sĩ thi đua yêu nước. Tại đại hội, khi thấy Bác xuất hiện, cả hội trường đều vui mừng, phấn khởi. Lúc Bác phát biểu, ai cũng tập trung nhìn Bác và chăm chú lắng nghe. Bác nói với chúng tôi rằng, công việc của TNXP nhiều khó khăn, thậm chí phải hy sinh cả xương máu nhưng Bác tin các cô, các chú là người đầu tàu gương mẫu sẽ vượt qua được tất cả. Rồi sau đó, Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ – thư ký của Bác gắn Huy hiệu Bác tặng cho tôi cùng 2 đồng chí khác nữa cùng dự đại hội. Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc vinh dự, tự hào hôm ấy cho đến tận hôm nay”.
Với thành tích phá được hơn 100 quả bom các loại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cao Xuân Thọ đã được gặp Bác Hồ lần thứ 2 tại Đại hội Chiến sĩ thi đua đoàn TNXP tại Hà Nội. Ngoài dự đại hội, ông cùng các đồng đội của mình còn được đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Khi mọi người quây quần quanh, Bác đã khen ngợi về thành tích phá bom nổ chậm trong chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi Bác chia quà cho mọi người. Cũng trong lần thứ 2 gặp Bác Hồ, ông Thọ tiếp tục được Bác tặng Huy hiệu.
Lần thứ 3, ông Thọ được gặp Bác khi ông cùng 3 người nữa của đơn vị được giao nhiệm vụ mang su hào và cải sen do đơn vị tự trồng từ Lai Châu về Hà Nội để biếu Bác. Trong lần gặp này, Bác đã rất vui vì đơn vị không những làm đường giỏi, phá bom giỏi mà sản xuất cũng rất giỏi.
Trong 4 lần gặp Bác, lần nào cũng nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng lần thứ 4 là lần đọng lại trong trái tim ông Thọ nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Năm 1958, ông Cao Xuân Thọ cùng một số đồng chí được về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội chiến sĩ thi đua công – nông – binh toàn quốc. Tại đại hội, Bác nói nhiều điều, theo thời gian và giới hạn tuổi tác, ông Thọ không thể nhớ hết. Thế nhưng có những điều, những câu mà Bác nói, cho đến tận hôm nay ông vẫn ghi lòng tạc dạ. Ông Thọ kể lại: “Gặp Bác lần ấy, tôi cảm động đến trào nước mắt khi được nắm đôi bàn tay của Người và được nhận nhiều phần thưởng của Nhà nước trao tặng. Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được cảm xúc lúc đó. Thật là hiếm có và vinh dự. Người ta được gặp Bác một lần đã thấy mình rất vinh dự, còn tôi vinh dự hơn khi được gặp Bác tới 4 lần và 3 lần được nhận Huy hiệu của Người. Tôi tự hào vì cái hạnh phúc ấy chẳng mấy ai có được”.
Những lời chỉ dạy sâu sắc của Bác đã trở thành nguồn động viên, khích lệ to lớn để những nhân chứng sống như ông Ba, ông Thọ và nhiều người khác nữa dù tuổi đã cao nhưng vẫn luôn cố gắng để trao truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về cuộc đời giản dị của Hồ Chủ tịch – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Tố Phương