Tiếp đón chúng tôi, ông Hà Văn Thầm, xã Nam Xuân (Quan Hóa) phấn khởi cho biết: “Các năm vừa qua, gia đình được thụ hưởng chính sách phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh. Rừng luồng của gia đình sinh trưởng tốt, cho năng suất và thu nhập cao hơn trước. Trước đây, phát cành, dọn vệ sinh, bón phân cho cây luồng, trồng bằng hom cành cây luồng là việc làm quá xa lạ với người dân chúng tôi. Nhưng khi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, gia đình đã hiểu và thực hiện. Hơn 4 ha luồng của gia đình được bón phân nên luồng ra măng sớm, nhiều và khỏe hơn so với diện tích luồng không được chăm sóc. Cây to và thẳng, dóng dài, bán được giá hơn”.
Rừng luồng tại xã Nam Động (Quan Hóa) được người dân chăm sóc, bảo vệ cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hà Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết: “Xã có 1.800 ha rừng luồng. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con trong việc trồng và chăm sóc rừng luồng, UBND huyện Quan Hóa, xã Nam Xuân đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh về thôn, bản phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng. Kết quả, xã Nam Xuân đã thâm canh, phục tráng được 328 ha luồng. Cây luồng được bón phân, hệ số sinh măng tăng gấp 1,5 lần, măng to hơn và gióng dài hơn, giá trị cây luồng đã được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Đến tháng 11/2023, huyện Quan Hóa có 27.568 ha rừng luồng. Những năm vừa qua, huyện Quan Hóa đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng cho các hộ dân. Phục tráng rừng luồng kém chất lượng đã giúp năng suất, chất lượng rừng luồng nâng lên rõ rệt. Hệ số sinh măng tăng gấp 1,5 lần, măng to hơn và gióng dài hơn. Hiện nay, huyện Quan Hóa đã có hơn 6.800 ha rừng luồng được thâm canh, phục tráng. Kết quả nổi bật là huyện Quan Hóa đã có 2.369,6 ha luồng được Tổ chức Quản lý rừng bền vững Quốc tế cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) – khẳng định cây luồng của huyện đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng cũng như giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân trồng luồng và doanh nghiệp chế biến luồng
Thực hiện Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND, ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnhThanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến người dân chính sách hỗ trợ phát triển luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân… phục tráng luồng. UBND các huyện trọng điểm trồng luồng đã khảo sát và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán phục vụ thi công nâng cấp và làm mới đường ô tô lâm nghiệp. Các hộ dân đã được hỗ trợ kinh phí mua phân bón cho năm thứ nhất và năm thứ 2 thực hiện thâm canh, phục tráng luồng…
Kết quả, từ năm 2016 đến đầu tháng 11/2023, các huyện vùng thâm canh luồng tập trung, gồm Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Cẩm Thủy thực hiện phục tráng, thâm canh được 23.085 ha luồng, nâng tổng diện tích vùng luồng thâm canh toàn tỉnh hiện nay đạt 40.105 ha, đây là diện tích rừng luồng được thâm canh, chăm sóc, bón phân theo đúng kỹ thuật, cây luồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với trồng rừng truyền thống; làm mới 94 km đường ô tô lâm nghiệp, mở 259 lớp tập huấn cho 15.690 người dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thâm canh, phục tráng luồng…
Không chỉ khẳng định hiệu quả kinh tế, chính sách phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh đã cơ bản nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng.
Bài và ảnh: Thu Hòa