Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Thạch Thành (Agribank Thạch Thành), trực thuộc Agribank Bắc Thanh Hóa đã phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nguồn vốn của ngân hàng đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề, nâng cao đời sống.
Nhiều hộ dân thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) được vay vốn ngân hàng, phát triển mô hình trồng cây ổi lê cho hiệu quả kinh tế cao.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Agribank Thạch Thành luôn bám sát chỉ đạo định hướng của Agribank Bắc Thanh Hóa, các chương trình, đề án, mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện, với phương châm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn dân cư để tăng đầu tư tín dụng, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội rà soát, đánh giá thế mạnh của từng vùng, xã, thị trấn, đưa ra các gói tín dụng phù hợp. Trong đó, tập trung đầu tư tín dụng các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao. Đa số người vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có khả năng trả nợ, trả lãi đúng kỳ. Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hải ở thị trấn Vân Du, cho biết: “Là khách hàng truyền thống gắn bó với Agribank Thạch Thành hàng chục năm thông qua việc gửi tiền tiết kiệm và vay vốn. Agribank đã giúp tôi giải quyết khó khăn về nguồn vốn ban đầu để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Mỗi lần có nhu cầu về vốn, gia đình tôi đều được cán bộ Agribank Thạch Thành tư vấn, hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn kịp thời. Hiện tôi đang được ngân hàng cho vay 4 tỷ đồng đầu tư mua máy móc hiện đại để kinh doanh phụ tùng, sửa chữa ô tô và trồng hơn 2 ha cây ăn quả các loại. Thu nhập hàng năm của gia đình gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động. Gia đình tôi luôn thực hiện việc trả tiền lãi, tiền gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định”.
Không chỉ gia đình ông Hải, thời gian qua, Agribank Thạch Thành đã tạo điều kiện để cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… Hoạt động đầu tư tín dụng của ngân hàng đến với khách hàng luôn bảo đảm công khai, dân chủ, nên đã tạo được sự đồng thuận giữa ngân hàng với hệ thống mạng lưới khách hàng. Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Agribank Thạch Thành đã phân công cán bộ phụ trách các xã, thị trấn trực tiếp hỗ trợ các cấp hội nhận tín chấp, các tổ trưởng tổ vay vốn bảo đảm thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ cho vay, quá trình giải ngân. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn nguồn vốn vay. Nhờ đó, tổng dư nợ cho vay, huy động của chi nhánh luôn có sự tăng trưởng, bảo đảm năm sau cao hơn năm trước. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng được bảo đảm sử dụng thiết thực, hiệu quả, tính đến đầu tháng 12/2023, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 2.205 tỷ đồng với 11.400 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 98% tổng dư nợ.
Bên cạnh đầu tư phát triển tín dụng, ngân hàng cũng chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, như: Mobile Banking, BankPluss, M-Pluss; dịch vụ thẻ ATM… Triển khai mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đến người dân, nhất là khu vực các xã miền núi cao, cách xa trung tâm. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp cận các tổ chức, cá nhân để phát hành thẻ, mở tài khoản thanh toán, triển khai các dịch vụ tại địa bàn nông thôn. Qua đó, tạo mọi điều kiện và tiện ích cho khách hàng, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, thay đổi phong cách phục vụ nhằm mục tiêu huy động tối đa nguồn vốn từ các tầng lớp Nhân dân, nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, góp phần giảm nghèo trên địa bàn.
Bài và ảnh: Minh Hà