Để chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi đến toàn thắng, việc chuẩn bị lực lượng và tiêu hao sinh lực địch trên các chiến trường, được xem là một “bước chạy đà” đặc biệt quan trọng.
Pháo binh vào mặt trận (hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).
Trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, chiến tranh du kích có vị trí quan trọng. Điều này được thể hiện rất rõ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hội nghị Trung ương tháng 1/1948 đề ra phương châm tác chiến: “Du kích chiến là chính, vận động chiến là phù trợ”. Đến tháng 1/1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng đã xác định “phát triển chiến tranh du kích đến cực độ vẫn là nhiệm vụ chính lúc này, song đồng thời phải tập trung đánh vận động thực sự”. Và thực tế đã chứng minh, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quyết định cục diện thắng – bại, thì khi ấy chiến tranh chính quy càng khẳng vai trò quan trọng.
Có nhận định cho rằng, nếu không có chiến tranh chính quy thì bản thân chiến tranh du kích không thể duy trì và phát triển. Có chiến tranh chính quy thì mới thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt địch về chiến lược, giải phóng đất đai và bảo vệ những vùng hậu phương quan trọng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng ta đã kiên quyết và kịp thời chuyển từ du kích chiến lên vận động chiến. Các tiểu đoàn tập trung, các trung đoàn chủ lực phối hợp với lực lượng du kích mở các đợt hoạt động, trong đó có những chiến dịch quy mô nhỏ, đánh những cứ điểm nhỏ, những đội ứng chiến nhỏ của địch. Qua gần 4 năm (từ 1947 đến 1950) phát động chiến tranh du kích và tập dượt cách đánh tập trung, ta đã tạo ra sức mạnh mới, vươn lên về mọi mặt. Trong đó, đã tạo được hình thái chiến tranh xen kẽ, cài răng lược để bao vây, phân tán, giam chân quân địch trên các chiến trường. Đồng thời, xây dựng và phát triển lực lượng 3 thứ quân; tổ chức các trung đoàn, đại đoàn mạnh mở các chiến dịch quy mô lớn hơn. Tính đến nửa đầu năm 1950, ta đã xây dựng được 2 đại đoàn 308, 304 và 14 trung đoàn chủ lực. Đầu năm 1951, hầu hết các trung đoàn chủ lực ở Bắc bộ được tập trung xây dựng thành 3 đại đoàn bộ binh 312, 320, 316 và Đại đoàn công binh – pháo binh 351. Đây là “vốn liếng” hết sức quan trọng để bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Cùng với việc xây dựng lực lượng chủ lực làm “xương sống”, thì việc mở các cuộc tiến công hao sinh lực địch và thử nghiệm trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực đã được tiến hành trên nhiều mặt trận. Tháng 9/1950, ta mở cuộc tiến công địch ở biên giới Việt – Trung, đòn tiến công chủ yếu đánh vào cụm cứ điểm Đông Khê (cách thị xã Cao Bằng 25km). Lần đầu tiên, Bộ Tổng tư lệnh tập trung 1 đại đoàn và 2 trung đoàn chủ lực, trực tiếp chỉ huy đánh tập trung trên một hướng chiến lược quan trọng, tiêu diệt 2 binh đoàn Âu Phi tinh nhuệ của quân Pháp, giải phóng đất đai và khai thông biên giới Việt – Trung. Đây được xem là một chiến dịch tiêu biểu thành công nhất về đánh vận động và hiệu quả chiến dịch cao, một chiến dịch đánh tiêu diệt xuất sắc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt về trình độ tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực ta.
Gần 1 năm sau, thực dân Pháp được Mỹ tích cực viện trợ, ra sức khôi phục và củng cố lực lượng. Ngày 18/11/1951, chúng tập trung lực lượng lớn tiến công đánh chiếm thị xã Hòa Bình và đường số 6, nhằm giành lại quyền chủ động đã mất ở chiến trường chính Bắc bộ. Nắm đúng thời cơ địch không còn lực lượng cơ động ở phía sau, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở cuộc phản công chiến lược, tập trung 3 đại đoàn chủ lực tiến công địch trên hướng chính diện (Hòa Bình) bao vây, tiêu diệt, kiềm chế địch. Đồng thời, sử dụng 2 đại đoàn luồn vào vùng sau lưng địch cùng với bộ đội địa phương và Nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát động tổng phá tề trừ gian ở trung du và đồng bằng Bắc bộ. Cuộc phản công Hòa Bình đánh dấu một mốc phát triển về nghệ thuật chỉ đạo kết hợp hai phương thức cơ bản của đấu tranh vũ trang: chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy; phối hợp bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương; phối hợp các chiến trường; phối hợp quân với dân, làm cho chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy cùng phát triển mạnh mẽ.
Phát huy thế chủ động chiến lược ở chiến trường chính, ta liên tục mở hai chiến dịch ở vùng rừng núi. Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10/1952 đến tháng 12/1952) ở Nghĩa Lộ, Phù Yên, tả ngạn sông Đà. Chiến dịch đã giải phóng 25 vạn dân, mở căn cứ địa mới ở Tây Bắc, nối liền với Việt Bắc, làm cho hậu phương kháng chiến của cả nước thêm mạnh. Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 đến tháng 6/1953), do quân đội ta và quân đội Pathét Lào tiến công địch ở tỉnh Sầm Nưa. Đây là chiến dịch quy mô lớn đầu tiên của quân đội hai nước Việt – Lào. Sau gần 1 tháng chiến đấu, đặc biệt là trong 7 ngày đêm truy quét quân địch trên chặng đường rừng núi trùng điệp dài 270km, ta và bạn đã giành được thắng lợi to lớn.
Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, các đơn vị chủ lực ta được giao nhiệm vụ mở cuộc tiến công chiến lược trên các chiến trường, với 5 đòn tiến công: (1) Tại Lai Châu ngày 10/12/1953, quân ta bắt đầu đánh vào thị xã và đánh quân địch rút lui. Trải qua 15 ngày đêm liên tục chiến đấu, ta đã giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía Bắc. (2) Ở Trung Lào, hạ tuần tháng 12/1953, quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công Xênô (Trung Lào), tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và thu hút, phân tán lực lượng của chúng, tạo điều kiện cho hướng khác tiến công tiêu diệt địch. (3) Tại Thượng Lào, hạ tuần tháng 1/1954, quân ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào phòng tuyến địch ở khu vực sông Nậm Hu. Địch hoảng hốt tháo chạy. Quân ta và quân giải phóng Lào tiếp tục truy kích địch đến cách Luông Pha Băng 15km. (4) Tại Liên khu V, địch quyết định mở chiến dịch Átlăng nhằm mục đích chiếm toàn bộ vùng tự do của ta. Đại bộ phận quân chủ lực tập trung tiến công ở hướng chính là Đông Bắc Kon Tum, hướng phối hợp trên đường 19, giải phóng thị xã Kon Tum, quét sạch quân địch ở Bắc Tây Nguyên xuống sát đường số 19… (5) Tại Thượng Lào, hạ tuần tháng 1/1954, quân ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào phòng tuyến địch ở khu vực sông Nậm Hu.
Cùng với 5 đòn chiến lược trên, các hoạt động của quân và dân ta ở vùng sau lưng địch không ngừng phát triển. Đây là sự phối hợp chiến trường rộng lớn và nhịp nhàng chưa từng có ở Đông Dương, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc địch phải phân tán lực lượng chiến lược ra khắp nơi để đối phó với ta. Đây cũng chính là sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng cho cuộc đụng đầu lịch sử tại Điện Biên Phủ. Và rồi, vào những ngày cuối của năm 1953, đầu năm 1954, sau nhiều thắng lợi mở đầu quan trọng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định điều một bộ phận lực lượng còn lại lên tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương án đã được Bộ Chính trị phê chuẩn. Ngày 22/12/1953, Đại đoàn 351 bắt đầu hành quân. Đại đoàn 312 cũng rời khỏi Yên Bái 2 ngày sau đó. Sang đầu tháng 1/1954, Bộ Tổng tư lệnh quyết định điều thêm Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 lên Điện Biên Phủ. Còn Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 được giữ lại ở Phú Thọ làm lực lượng dự bị và đảm bảo an toàn tuyến sau của mặt trận.
Mọi điều kiện chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành, chỉ chờ thời khắc quyết định – ngày 13/3/1954 – quân ta nổ phát súng đầu tiên tiến công địch, chôn vùi tham vọng bá quyền của chúng ngay tại lòng chảo Điện Biên Phủ.
Bài và ảnh: Trần Hằng
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học”).