Chiều 13/12, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thay mặt UBND tỉnh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII về các vấn đề liên quan đến công tác chuyển đổi số (CĐS) và thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông.
Quang cảnh phần chất vấn về các vấn đề về các vấn đề liên quan đến công tác chuyển đổi số (CĐS) và thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông.
Nhiều kết quả đạt được
Báo cáo trước HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã thông tin về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thực hiện thời gian tới trong công tác CĐS và ngăn chặn thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông.
Theo đó, xác định CĐS là xu hướng tất yếu để phát triển, tỉnh đã chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện ở cả 3 trụ cột là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về các vấn đề chất vấn.
Với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đổi mới phương thức làm việc, các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã đẩy mạnh CĐS trên nhiều mặt hoạt động.
Hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và được liên kết với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, bảo hiểm y tế… Hiện cả tỉnh cung cấp 1.805 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99,51%. Thông qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong tiếp cận và giải quyết TTHC.
Các cơ quan nhà nước cũng đã xây dựng và duy trì Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDoffice) để phục vụ công tác quản lý, điều hành, xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng. Đạt chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước, 100% hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng, được ký bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.
Hệ thống họp trực tuyến với hơn 700 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối với Trung ương cũng đã được đầu tư, đưa vào hoạt động, phát huy vai trò trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp…
Đại biểu Nguyễn Tuấn Tưởng (Tổ đại biểu huyện Bá Thước) đặt câu hỏi chất vấn.
Cùng với các cơ quan nhà nước, công tác CĐS trong ngành, lĩnh vực đã được quan tâm, đẩy mạnh, qua đó giúp tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh.
Lĩnh vực Y tế đã triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở y tế với hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội để chi trả chế độ theo quy định. Đã có 669/669 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước gắn chíp để thay thế thẻ BHYT, đồng bộ thông tin của 3.256.000 thẻ BHYT còn hiệu lực vào thẻ căn cước gắn chip…. |
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, thông tin báo chí và thông tin trên mạng xã hội cũng đã được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Qua đó đã góp phần lan tỏa thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin tiêu cực, xấu độc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Đồng thời phân tích nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Phần chất vấn đã thu hút nhiều đại biểu tham gia đặt câu hỏi xoáy sâu vào các vấn đề đang được đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, như: vấn đề giải pháp xây dựng CSDL về nông nghiệp, đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; nguyên nhân của tình trạng CSDL rời rạc, chưa được kết nối chia sẻ, cung cấp thông tin; thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS trong bối cảnh tinh giảm biên chế…
Những vấn đề đặt ra
Với tinh thần thẳng thắn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã trả lời thấu đáo từng câu hỏi của đại biểu chất vấn. Trong đó, đã nhấn mạnh kết quả thực hiện CĐS ở một số ngành, lĩnh vực, để đại biểu vừa nắm bắt thông tin tổng quát và vừa chi tiết về “bức tranh” CĐS trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy (Tổ đại biểu huyện Nga Sơn) nêu câu hỏi chất vấn.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi sâu phân tích những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế trong CĐS. Mà một trong số đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CĐS ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chuyển biến chậm, chưa đồng đều. CSDL theo ngành dọc còn rời rạc, chưa được kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin; chưa xây dựng được CSDL chung của tỉnh. Phần mềm TDoffice có một số chức năng không còn phù hợp; thiết bị lưu trữ CSDL văn bản còn hạn chế. Các máy tính chủ, thiết bị lưu trữ tại Trung tâm CSDL của tỉnh được đầu tư lâu, bắt đầu xuống cấp…
Thêm vào đó, nguồn nhân lực thực hiện CĐS, an toàn thông tin ở các cấp còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong CĐS phát triển nhanh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm trả lời các câu hỏi chất vấn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cũng đã phát biểu làm rõ hơn về những giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh CĐS, như: Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, nhận diện rõ công tác chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới để tổ chức triển khai, thực hiện đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực số phục vụ CĐS và đảm bảo an toàn thông tin. Chỉ đạo xây dựng CSDL chuyên ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý theo ngành dọc; thực hiện lưu trữ tại Trung tâm CSDL của tỉnh để thực hiện chia sẻ, công khai theo quy định.
Đặc biệt, quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu CĐS bằng nhiều giải pháp. Trong đó cần ưu tiên đào tạo, tập huấn tại chỗ thông qua nhiều hình thức, cả trực tuyến và trực tiếp cho cán bộ, người làm công tác CĐS trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…
Tập trung xây dựng chính quyền số
Phát biểu kết luận phần chất vấn, trả lời chất vấn các nội dung liên quan CĐS và ngăn chặn thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã trả lời rõ ràng, rành mạch từng nội dung câu hỏi của đại biểu. Đồng thời phát biểu, giải trình làm rõ hơn vấn đề được chất vấn.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận chất vấn.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn trên cương vị công tác của mình và trong thẩm quyền được giao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh. Trước mắt tập trung chỉ đạo thực hiện việc CĐS thật sự có chất lượng, hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lấy chính quyền số dẫn dắt kinh tế số và xã hội số.
Ngoài những giải pháp đã nêu trong phần trả lời chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các cái nghị quyết của Trung ương trong CĐS, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong CĐS và nhận thức được lợi ích to lớn của CĐS mang lại.
Trên cương vị công tác của mình và trong thẩm quyền được giao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh. Trước mắt là tập trung chỉ đạo thực hiện việc CĐS thật sự có chất lượng, hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lấy chính quyền số dẫn dắt kinh tế số và xã hội số.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, đáp ứng yêu cầu của CĐS. Quan tâm đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng vận hành trong môi trường số; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải sử dụng công nghệ để xử lý công việc hàng ngày. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mọi hoạt động kinh tế đều dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua mạng internet.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Về đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ngành chức năng và Ban chỉ đạo 35 của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phát huy vai trò, tác dụng của các trang mạng xã hội tích cực, chủ động truyền thông chính sách, thông tin về các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, sự kiện văn hóa xã hội và các tấm gương điển hình trong và ngoài tỉnh để truyền cảm hứng cho cộng đồng, xã hội trên không gian mạng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát hiện sớm những thông tin xấu độc, thông tin sai lệch để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người dùng chia sẻ, lan truyền. Đồng thời thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đỗ Đức
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tap-trung-xay-dung-chinh-quyen-so-de-dan-dat-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-233397.htm