Sáng 21/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai thực hiện “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo” và công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhấn mạnh: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong 10 năm qua, bệnh Dại đã làm chết 31 người, chủ yếu ở các huyện miền núi có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo thấp kéo dài trong nhiều năm, như: Như Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Mường Lát… và trên 85.145 người phải điều trị dự phòng bệnh Dại do chó, mèo cắn.
Là tỉnh có đàn chó, mèo lớn trên cả nước, song năm 2023, toàn tỉnh chỉ tiêm được 540.062 liều vắc xin, thấp hơn nhiều so với đàn chó, mèo trên thực tế. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người tử vong, số lượng người bị chó ốm, chó chết, chó chưa tiêm phòng vắc xin cắn phải điều trị khoảng hơn 13.300 người.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trình bày về bệnh Dại trên đàn chó, mèo.
Trước thực trạng trên, để khống chế, thanh toán được bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, UBND tỉnh đã lấy năm 2024 là “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh” để tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch và quyết liệt triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi góp phần giảm thiểu làm thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức tiêm phòng; từ đó chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác triển khai phòng, chống bệnh Dại trên đàn chó, mèo nói riêng và đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung. Đồng thời, đề ra mục tiêu phấn đấu trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2024.
Tiếp thu ý kiến từ các đại biểu và căn cứ vào tình hình thực tế của công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2024 cho đàn vật nuôi. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại trên đàn chó mèo đạt 95% trở lên đối với các huyện đồng bằng, trung du và 90% trở lên đối với các huyện miền núi. Đồng thời, đối với đàn trâu, bò, dê phấn đấu tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở khu vực đồng bằng đạt hơn 90%, trung du đạt hơn 80%, miền núi đạt hơn 70%. Đối với tiêm vắc xin phòng bệnh tụ dấu, dịch tả cho đàn lợn ở các vùng, phấn đấu đạt từ 60 % đến 70% trở lên; vắc xin phòng dịch cúm H5N1 cho đàn gia cầm đạt từ 80% đến 90% trở lên.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Để triển khai hiệu quả “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo” và công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 1/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương thực hiện tiêm phòng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, phân công lãnh đạo, thành viên Ban chỉ đạo của huyện phụ trách, bám sát địa bàn chỉ đạo công tác tiêm phòng, kịp thời phát hiện yếu kém để khắc phục. Thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo công tác tiêm phòng và có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về tiêm phòng và lợi ích của tiêm phòng để người dân hiểu rõ, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của đợt triển khai.
Cùng với đó, các địa phương cần rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm phòng vắc xin trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình công tác phòng, chống dịch định kỳ, đột xuất theo quy định, bảo đảm triển khai hiệu quả tiêm phòng đợt 1/2024 vào tháng 3 và tháng 4 năm 2024.
Lê Hoà