Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, đã góp phần định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất.
Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vạn Hòa (Nông Cống) cho hiệu quả kinh tế khá.
Tính đến cuối tháng 9-2023, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 359/465 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã, 365 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,75 tiêu chí/xã; có 396 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Để thực hiện hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, XDNTM. Đồng thời, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và bố trí nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, XDNTM; đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… Các cơ chế, chính sách đã góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng.
Đông Văn (Đông Sơn) là xã đầu tiên “cán đích” xã NTM kiểu mẫu của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã vẫn luôn xác định: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân là nhân tố quyết định sự thành công trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Được sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã cũng đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn xã có gần 30 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, sản xuất cơ khí; nhiều nhóm thợ xây dựng dân dụng và hàng chục tổ may gia công tại gia đình… luôn bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 80 triệu đồng/năm.
Tại xã Vạn Hòa (Nông Cống), xác định việc XDNTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, xã chú trọng thực hiện phát triển sản xuất gắn nâng cao thu nhập là tiêu chí quan trọng trong XDNTM kiểu mẫu. Theo đó, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật đưa các cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất. Đến nay, xã đã xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình sản xuất rau an toàn hơn 3 ha và 2 mô hình trồng dưa trong nhà màng theo hướng công nghệ cao tại thôn Đồng Thọ; mô hình chăn nuôi gia trại thôn Tân Dân; mô hình ươm cây giống tại thôn Vạn Thọ… Bên cạnh đó, người dân cũng đã phát huy được thế mạnh của các ngành nghề nông thôn và các hoạt động tiểu thủ công nghiệp để phát triển kinh tế địa phương. Toàn xã hiện có 12 doanh nghiệp, 262 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể với nhiều ngành nghề khác nhau đã tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho hơn 1.000 lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm. Xã Vạn Hòa phấn đấu “cán đích” xã NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Để đạt được mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là tiền đề để phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển thương mại dịch vụ tại cơ sở, tiếp tục duy trì, phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… bảo đảm việc làm, thu nhập cho các tầng lớp Nhân dân.
Bài và ảnh: Lương Khánh