Nhìn tổng thể bức tranh thu ngân sách của Thanh Hóa 9 tháng năm 2023 dù đảm bảo tiến độ kế hoạch, với 28.728 tỷ đồng, đạt 81%, nhưng nhiều lĩnh vực thu lại tụt sâu so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó một số lĩnh vực giảm mạnh như thu tiền sử dụng đất giảm 53%, thuế bảo vệ môi trường giảm 36%, thuế thu nhập cá nhân giảm 35%…
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng biển Nghi Sơn. Ảnh: Lê Đồng
Con số giảm là do tác động tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản trong năm 2023; ảnh hưởng từ việc áp dụng chính sách miễn giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua…
Năm 2023 được xác định là năm có ý nghĩa rất quan trọng – năm có tính “bản lề”, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025) đã đề ra. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cả năm theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 7-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 327/NQ-HĐND, ngày 11-12-2022 của HĐND tỉnh trong đó có nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm còn đạt thấp, đòi hỏi không chỉ ngành thuế, hải quan phải nỗ lực, có nhiều biện pháp, mà tất cả các cấp, ngành trong tỉnh phải chung sức mới có thể đạt được mục tiêu thu ngân sách vượt 10% dự toán trở lên như đã đề ra.
Thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá tình hình 9 tháng, bàn giải pháp 3 tháng cuối năm 2023 mới đây, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa Ngô Đình Hùng cho rằng: Những chính sách giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp về ngắn hạn làm giảm nguồn thu nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho nguồn thu ngân sách tỉnh. Cục trưởng Cục Thuế có niềm tin cả năm 2023 tổng thu ngân sách toàn tỉnh sẽ vượt khoảng 500 đến 800 tỷ đồng so với dự toán.
Theo Cục Thuế Thanh Hóa, 3 tháng cuối năm 2023 sẽ rà soát, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; tập trung khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng; chỉ đạo các phòng chức năng, chi cục thuế trực thuộc thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trọng điểm trong lĩnh vực dầu khí, thuốc lá, bia, xi măng, nhiệt điện, thủy điện… để có các phương án điều hành thu ngân sách Nhà nước phù hợp. Cùng với đó, chỉ đạo các chi cục thuế tiếp tục theo dõi kế hoạch triển khai thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp chỉ đạo kịp thời. Tiếp tục rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra để xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực thực hiện thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và công tác đôn đốc số nộp sau thanh tra, kiểm tra đạt kế hoạch đã đề ra.
Trong công tác quản lý nợ, sẽ tiếp tục mời các doanh nghiệp có số thuế nợ đọng lớn lên làm việc, hàng tháng lập kế hoạch làm việc cụ thể với các doanh nghiệp. Với công tác thu tiền sử dụng đất và thu khác sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với những trường hợp đã đến hạn và quá thời gian ổn định đơn giá tiền thuê đất theo quy định…
Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, số lượng nguồn thu đó là nội lực các chủ thể nộp thuế phải đảm bảo. Một khi các đối tượng thực hiện nghĩa vụ thuế đảm bảo “sức khỏe” thì công tác thu mới thuận lợi.
Trong bối cảnh nền kinh tế vừa thoát ra khỏi đại dịch nhưng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19, càng đòi hỏi công tác “chăm sóc” nuôi dưỡng phải tốt thì mới đảm bảo được nguồn thu. Cùng với các cơ chế, chính sách vĩ mô mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, áp dụng, đòi hỏi tỉnh và các ngành, các địa phương phải tập trung hơn nữa tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là về các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, các vấn đề về đất đai, hạ tầng, để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền của Trung ương, nhất là các vướng mắc liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu thầu, phòng cháy, chữa cháy… Cùng với đó chủ động đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13-11-2021 của Quốc hội, trọng tâm là chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn, nhằm bổ sung nguồn lực cho tỉnh phát triển như kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Một trong những nguồn thu quan trọng nữa là thu từ hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn. Theo thống kê, năm 2022 nguồn thu tại đây đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm 93% tổng thu ngân sách của hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Để tăng cường khả năng thu, nhất là khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động thương mại trở lại sau kết thúc kỳ bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất vào giữa tháng 10-2023, đòi hỏi Cục Hải quan Thanh Hóa phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để quản lý, khai thác, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi thương mại.
Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện nay có khoảng hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn. Để tăng nguồn thu bền vững từ việc phát huy lợi thế của cảng biển Nghi Sơn, Cục Hải quan và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tuyên truyền chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Các đơn vị cũng trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, nắm bắt thông tin cũng như khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp mới để có biện pháp xử lý, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập các môi trường hành chính điện tử trên cơ sở tích hợp sâu rộng các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý.
Chúng ta đã đi qua một chặng đường thu ngân sách có nhiều khó khăn trong 9 tháng qua. Với những giải pháp đồng bộ, có chiều sâu đang được tỉnh và các ngành chức năng triển khai, hy vọng sẽ tạo ra một không gian phát triển mới thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm như viễn cảnh mà Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa tin tưởng, đó là năm 2023 tổng thu ngân sách toàn tỉnh sẽ vượt khoảng từ 500 đến 800 tỷ đồng so với dự toán.
Thái Minh