Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 23/1/2024 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Để kịp thời ứng phó với các tình huống diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển, giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo đúng nội dung chỉ đạo tại Công điện số 1404/CP-TTg ngày 24/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 602/BNN-CN ngày 19/1/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản chỉ đạo có liên quan của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Thủy văn Thanh Hóa; thường xuyên mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền về kỹ thuật phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản để người dân biết và thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc biệt là đàn gia súc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và bị động trong việc phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thiên tai trên địa bàn để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Đối với trồng trọt, tuyệt đối không gieo cấy, sạ trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 0C; che phủ ni lông 100%, tưới giữ ẩm chân mạ đối với diện tích mạ đã gieo; điều tiết duy trì mực nước nông trên mặt ruộng đối với diện tích lúa đã cấy, đã sạ, không bón phân thúc trong những ngày trời rét; tiếp tục thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông, thu hoạch mía, sắn nguyên liệu phù hợp với kế hoạch chế biến của các nhà máy; đồng thời vệ sinh đồng ruộng, giải phóng đất để sản xuất vụ Xuân đảm bảo thời vụ khi thời tiết thuận lợi; kiểm tra rà soát và có phương án dự phòng nguồn giống cây trồng, vật tư để chắm, dặm hoặc phải gieo trồng lại khi rét đậm, rét hại kéo dài.
Đối với vật nuôi, tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân vào những ngày giá rét không chăn thả và không bắt gia súc làm việc, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12 0C cần thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt gia súc tại chuồng; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng phòng chống dịch bệnh và tăng sức chống chịu với giá rét; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo quy định.
Đối với thủy sản, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ tàu cá hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, có phương án sản xuất đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi thương phẩm chủ động các biện pháp phòng chống rét cho đàn thủy sản bố mẹ, giống và nuôi thủy sản thương phẩm theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản tại các địa phương. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh; sắp xếp tàu cá neo đậu tại các khu neo đậu đảm bảo an toàn; theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát hành trình tiếp nhận thông tin, vị trí hoạt động của tàu cá trên biển để có giải pháp cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, để kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo, dự báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân biết để chủ động phòng, tránh.
Các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản tại các địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; thường xuyên báo cáo tình hình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh và Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, ứng phó sự cố, thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn tỉnh.
Xem Công điện tại đây.
Hải Đăng (tổng hợp)