Với việc các “địa chỉ đỏ” phân bố ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh là thế mạnh để Thanh Hóa phát triển du lịch về nguồn. Tuy nhiên, với sự đặc thù, các điểm đến di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tạo được sức hút đối với đông đảo du khách.
Du khách tham quan, nghe thuyết minh tại Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm (xã Đa Lộc, Hậu Lộc).
Những di tích trở thành “thương hiệu” du lịch
Những ngày đầu tháng 9-2023 chúng tôi về xã Đa Lộc (Hậu Lộc) thăm Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm. Giữa không gian thoáng mát, rợp bóng cây, chúng tôi gặp lại “hướng dẫn viên” quen thuộc của điểm đến – thầy giáo Đào Thanh Hương (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Đa Lộc). Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên nhà mẹ, thầy chậm rãi kể từng câu chuyện lịch sử. Mẹ Tơm (1880-1953) sinh được 4 người con, hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên mẹ thường xuyên phải làm thuê để có tiền đong gạo. Khi Chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) thất bại, trước tình thế nguy cấp, năm 1942 Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phải chuyển sang vùng Nga Sơn, Hậu Lộc để tiếp tục hoạt động.
Ngôi nhà 3 gian 2 chái làm bằng phên tre, mái rạ của mẹ trở thành nơi nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ của Đảng như: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt… Ghi nhận công lao của gia đình mẹ, Đảng, Nhà nước đã tặng Bằng có công với nước, công nhận thiết chế vật chất của gia đình là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngày 22-12-2010 nhà lưu niệm mẹ Tơm được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 15-9-2011. Năm 2021-2022, lăng mộ mẹ Tơm nằm trong khu di tích cũng được cháu, chắt mẹ tôn tạo khang trang.
Những năm gần đây, Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước mà ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình về nguồn ở xứ Thanh.
Cùng với nhà mẹ Tơm, những năm gần đây nhiều di tích đã được quan tâm bảo tồn, phát huy trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, tiêu biểu như: Cụm di tích Hàm Hạ (Đông Sơn), Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương (Thiệu Hóa), Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Yên Định), Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến ở xã Hải Vân (Như Thanh), Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa)…
Tạo sức hút cho điểm đến
Du lịch về nguồn vốn là sản phẩm “kén khách”. Đối tượng của du lịch về nguồn chủ yếu là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình cách mạng hay các tổ chức đoàn thanh niên, học sinh tới học tập, tri ân… Trong những năm gần đây, du lịch về nguồn dần có sự thay đổi về cơ cấu khách du lịch, song nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, gắn kết với các sản phẩm du lịch thế mạnh hiện có của tỉnh.
Thực tế phần lớn các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh mới ở dạng đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng, các dịch vụ du lịch bổ trợ tại các điểm di tích lịch sử cách mạng gần như chưa có. Bởi vậy, trong các hành trình tour do đơn vị lữ hành khai thác, các điểm đến này chủ yếu đóng vai trò “phụ trợ”, chưa có khả năng hút khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như cơ sở vật chất của điểm đến còn hạn chế, sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhân lực phục vụ chưa chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, việc phân loại thị trường du lịch, liên kết, xây dựng chương trình tour… chưa thực sự được quan tâm, khiến du lịch về nguồn của tỉnh chưa thu hút đa dạng đối tượng khách du lịch.
PGS.TS Nguyễn Thị Thục, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Trong những năm gần đây các điểm di tích lịch sử cách mạng và các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có sự liên kết, tạo thành tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên, với tính chất “đặc thù” của sản phẩm du lịch, các điểm đến di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh chưa tạo được sức hút đối với du khách. Trong khi đó, phần lớn các điểm đến này dịch vụ du lịch còn khá hạn chế, chưa có quầy lưu niệm, phòng trưng bày, ứng dụng công nghệ số, hướng dẫn viên… nên chưa tạo được sức hút đối với du khách là điều dễ hiểu. Và không chỉ riêng Thanh Hóa, sản phẩm du lịch về nguồn ở nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch về nguồn, một số chuyên gia du lịch cho rằng, trước hết cần tiến hành rà soát tổng thể, đánh giá hiện trạng các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, từ đó có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng hành trình tour theo chủ đề… đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của Nhân dân và du khách. Đặc biệt, cần hướng đến “mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Trong đó, các điểm đến di tích lịch sử cách mạng là một trong những điểm nhấn của từng địa phương. Có như vậy du lịch về nguồn mới có thêm cơ hội để phát triển mạnh mẽ, tăng sức hút đối với du khách trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Lê Anh