Để hấp dẫn du khách về với Sầm Sơn hè này, việc tạo dựng hình ảnh một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, mến khách, đã và đang được TP Sầm Sơn chú trọng, với nhiều giải pháp, cách làm bài bản, nghiêm túc.
Các điểm kinh doanh dịch vụ tại các tuyến phố được sắp xếp lại, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Hình ảnh du lịch Sầm Sơn có sự cải thiện đáng kể trong nhiều năm trở lại đây, bên cạnh diện mạo đô thị hiện đại, thì nhân tố làm nên sự thay đổi chính là văn hóa du lịch và chất lượng các dịch vụ đã có sự cải thiện đáng kể. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và các phường, xã trên địa bàn đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch được thành phố thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Từ đó, tình trạng ép giá, ép khách và tình trạng ăn xin, bán hàng rong tại tất cả các khu, điểm du lịch được kiểm soát, khắc phục và đẩy lùi cơ bản, nhằm trả lại môi trường du lịch văn hóa, văn minh cho Sầm Sơn.
Chất lượng dịch vụ được xem là “chìa khóa” mang đến sự hài lòng cho du khách. Do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch năm 2024, thành phố đã tổ chức 8 lớp tập huấn, thu hút 2.414 người tham gia. Các đối tượng được tập huấn là ban chấp hành đoàn thanh niên, cán bộ văn hóa thành phố và các xã, phường; chủ các doanh nghiệp, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, người lao động trực tiếp tham gia các hoạt động kinh doanh, người phụ trách lễ tân, phụ trách buồng phòng, nhân viên phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng… Các học viên sẽ được truyền đạt các kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch; các phương án quản lý du lịch trên địa bàn thành phố năm 2024; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức phòng chống dịch bệnh; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, các điểm vui chơi giải trí, các lễ hội trên địa bàn thành phố; các tour du lịch kết nối Sầm Sơn với các khu du lịch trong tỉnh…
Mặc dù tình trạng ép giá đã được chính quyền thành phố quản lý và có sự cải thiện đáng kể, song không vì thế mà thành phố buông lỏng công tác này. Ngược lại, phương án quản lý giá đối với hàng hóa dịch vụ vẫn được thành phố thực hiện nghiêm túc qua mỗi năm. Theo đó, các loại dịch vụ như lưu trú; chụp ảnh; vận chuyển (xe điện, xích lô, cano, xe đạp đôi); cho thuê ghế ngồi trên bãi biển; cho thuê phao bơi, áo tắm, tắm nước ngọt; vui chơi giải trí (xe tàu lượn cao tốc, xe điện đụng, nhà phao hơi nhún, xe điện lượn siêu nhân); các loại hàng hóa, dịch vụ ăn, uống; giải trí (karaoke, massage, tẩm quất)… đều có quy định cụ thể về giá. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng không thuộc nhóm hàng hóa quy định nêu trên, phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng (in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa, tại nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ), để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn, thành phố yêu cầu phải có đầy đủ các thủ tục kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (biển hiệu, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng, chống cháy nổ, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đề án hoặc xác nhận bảo vệ môi trường theo quy định). Đồng thời, có hóa đơn hoặc phiếu thu trước khi thanh toán. Có bảng niêm yết giá phòng nghỉ của từng loại phòng; giá hàng hóa dịch vụ. Có thực đơn để bàn ghi tên, khối lượng và giá món ăn, đồ uống. Phải sử dụng hợp đồng hoặc bản thỏa thuận thuê phòng tại cơ sở lưu trú. Phòng nghỉ, phòng ăn, phòng vệ sinh đảm bảo theo tiêu chí sáng – sạch – đẹp. Không được cơi nới, làm mái che chắn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… Nếu các cơ sở này vi phạm các quy định như ép buộc khách ăn, nghỉ, chuyển khách, bán khách; lấy lại phòng trước thời gian thỏa thuận; cắt nước, điều hòa của khách; bán hàng cao hơn giá quy định; xả nước thải, rác thải tùy tiện; có hành vi lời nói thiếu văn hóa… thì sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, tùy mức độ vi phạm, thành phố sẽ áp dụng các hình thức xử lý bổ sung như tạm dừng kinh doanh; thu hồi giấy phép kinh doanh; thông báo vi phạm trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin của thành phố.
Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, thành phố cũng đã thành lập 5 đội quản lý trật tự du lịch, với 110 người tham gia, tại phường Trường Sơn (2 đội) và các phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Cư mỗi phường 1 đội. Các đội quản lý trật tự du lịch có nhiệm vụ duy trì trật tự kinh doanh du lịch và các hoạt động du lịch; phòng chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác suốt 24/24h. Đồng thời, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, để tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển về cơ quan điều tra có thẩm quyền. Ngoài ra, phối hợp với đội kiểm tra quy tắc đô thị trong quản lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; quản lý các đối tượng lang thang ăn xin, xe đẩy bán hàng tạp hóa, xe đạp bán hàng hải sản, bán hàng rong, tẩm quất, thuê chiếu ngồi, thuê phao nhảy dù trên khuôn viên bãi biển, xe đạp đôi, xích lô trẻ em, câu cá, tô tượng…
Để tạo dựng hình ảnh du lịch Sầm Sơn văn minh, lịch sự, thân thiện, thành phố cũng triển khai “Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch” đến người dân trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực vận động các doanh nghiệp du lịch cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hiện có và xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi, cam kết về chất lượng, các sản phẩm du lịch mới theo hướng sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn. Tiếp tục thực hiện liên kết du lịch trong tỉnh, trong nước; kết nối các tour du lịch từ Sầm Sơn đi Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, suối cá Cẩm Lương, Khu Di tích Hàm Rồng…; Sầm Sơn đi các tỉnh và quốc tế.
Bài và ảnh: Trường Giang