Với mong muốn đưa vốn tín dụng đến nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, thời gian qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đã phối hợp với Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai cho vay qua tổ vay vốn. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên được tiếp cận nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hội viên Hội Nông dân xã Giao An (Lang Chánh) được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.
Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Thanh Hóa và HND tỉnh đã ký kết thỏa thuận để triển khai. Theo đó, HND các huyện, thành phố ký kết chương trình phối hợp với Agribank chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc để triển khai thực hiện cho vay các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn.
Tổ vay vốn được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, tương trợ giữa các hội viên nông dân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Tổ trưởng tổ vay vốn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên và có thể bám sát, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ. Khi người dân trong tổ có nhu cầu vay vốn, các tổ trưởng sẽ chủ động hỗ trợ các thủ tục cần thiết, sau đó đề xuất với cán bộ tín dụng ngân hàng để thẩm định. Hằng tháng, các tổ trưởng đôn đốc, đến nhà các hộ vay vốn để thu lãi, đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, những khó khăn để báo cáo với ngân hàng có biện pháp khắc phục.
Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Minh Thành, xã Đông Quang (Đông Sơn) Nguyễn Khắc Cương chia sẻ: Việc cho vay qua tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Không những thế, việc tham gia tổ vay vốn còn giúp hội viên tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng điện tử như gửi tiết kiệm online; chuyển tiền; thanh toán hóa đơn… Hằng tháng tổ họp định kỳ để các thành viên học hỏi kinh nghiệm về các mô hình đã sử dụng vốn vay hiệu quả; giới thiệu những tiện ích khi dùng dịch vụ ngân hàng số. Hiện nay tổ vay vốn thôn Minh Thành có hơn 50 hội viên, dư nợ cho vay đạt hơn 6 tỷ đồng.
Hiện HND đang nhận ủy thác với Agribank Thanh Hóa thông qua 2.956 tổ vay vốn thực hiện tín chấp cho 90.054 hội viên HND vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn HND quản lý đạt 11.066 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã giúp hội viên nông dân phát triển mô hình trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ…
Là một trong những hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng thông qua tổ vay vốn, ông Nguyễn Văn Hợi ở thôn Phú Xuân, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) cho biết, trong lúc khó khăn được sự tư vấn và hướng dẫn nhiệt tình của tổ trưởng tổ vay vốn thôn, tháng 12-2021 ông mạnh dạn vay 130 triệu đồng từ Agribank Cẩm Thủy để đầu tư phát triển trang trại tổng hợp. Hiện trang trại của ông có hơn 1.000 gốc cây ăn quả các loại, 4 con trâu, 4 lợn nái và hơn 20 lợn thịt. Thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt hơn 300 triệu đồng.
Để nâng cao năng lực hoạt động của các tổ vay vốn, Agribank Thanh Hóa đã phối hợp với HND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng, chủ dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Đồng thời, ngân hàng cũng chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của hộ dân để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; kiểm tra, giám sát, đôn đốc thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ theo thời hạn cam kết nhằm nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay.
Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa Vũ Văn Vốn, cho biết: Đến nay, chương trình phối hợp giữa Agribank Thanh Hóa và HND tỉnh đã tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân ở vùng nông thôn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hệ thống tổ vay vốn luôn được đánh giá cao nhờ chuyển tải đồng vốn đến người dân một cách thuận lợi và nhanh chóng. Qua đó, người dân yên tâm phát triển sản xuất, thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay. Đồng thời, góp phần hạn chế những tiêu cực từ vấn nạn “tín dụng đen” ở các vùng quê.
Thời gian tới, Agribank Thanh Hóa tiếp tục bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân. Qua đó, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hệ thống tổ vay vốn đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng cũng như của HND, giúp bà con nông dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhờ có sự đồng hành của những tổ vay vốn, các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, đến gần hơn với ngân hàng số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.
Bài và ảnh: Khánh Phương