Mặc dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với phương châm “kiên trì bám trụ, tranh thủ thời cơ”, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động cơ cấu, tối ưu hóa quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động. Con số tăng trưởng 15,8% chỉ số công nghiệp (IIP) trong những tháng đầu năm nay là thành quả đáng ghi nhận. Đây là điều kiện thuận lợi để toàn ngành công nghiệp Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành tốt nhất mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2024.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành vượt công suất, là động lực “hạt nhân” cho tăng trưởng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm.
Những “hạt nhân” động lực
Sau khi hoàn thành bảo dưỡng lần đầu vào cuối năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã duy trì công suất nhà máy trên 100%. Thời gian gần đây, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã chủ động nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp (DN); đồng thời triển khai nhiều sáng kiến cải tiến nhằm bảo đảm hoạt động ổn định của nhà máy lọc hóa dầu. NSRP cũng đã liên tục củng cố và hoàn thiện các quy định, quy chuẩn bảo đảm an ninh, an toàn nhằm giảm thiểu rủi ro trong vận hành nhà máy.
Bên cạnh đó, NSRP cũng đã không ngừng tập trung nghiên cứu và phát triển để cho ra mắt các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Điển hình như trong quý I vừa qua, NSRP đã lần đầu tiên xuất bán thành công dòng sản phẩm dầu diesel 10ppm có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp, chỉ 10 phần triệu (ppm) ra thị trường trong nước. Đây là sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt nhất, mang lại hiệu suất vượt trội, cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu việc bảo trì động cơ, góp phần mang lại môi trường sạch và xanh hơn.
Theo NSRP, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của công ty đạt hơn 91.060 tỷ đồng; tăng 19,92% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng một số sản phẩm tăng rất cao như: xăng RON 92 tăng 81,2%; dầu diesel tăng 24,6%. DN đã nộp ngân sách Nhà nước 13.200 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Theo đại diện NSRP, để đáp ứng nhu cầu xăng dầu tiêu dùng của thị trường trong nước ngày càng thiếu hụt và phải nhập khẩu trong thời gian tới, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động tối ưu, công ty đang tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để tăng khả năng nâng công suất của nhà máy từ 15 đến 20% so với hiện nay. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải tiến toàn bộ sản phẩm xăng dầu, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng tốt nhất đối với nhóm sản phẩm này cho thị trường trong nước, tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, những tháng đầu năm nay đã phát huy tối đa vai trò cung ứng điện do được Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0) huy động tối đa công suất. Tổng sản lượng điện phát lên lưới 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,4 tỷ kWh, tăng 102% so với cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Từ đó, DN đã nộp ngân sách Nhà nước 610 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Theo đại diện Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, với sự ổn định về huy động công suất lên lưới, dự kiến trong năm 2024, tổng sản lượng điện phát sẽ đạt hơn 8 tỷ kWh và DN dự kiến nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng.
Ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công Thương, cho biết: “Nửa đầu năm 2024 ghi nhận “bức tranh” tích cực của sản xuất công nghiệp. Thống kê của Sở cho thấy, bên cạnh sự gia nhập thị trường của các sản phẩm mới thì hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng mạnh; trong đó, chiếm tỷ trọng chi phối là các sản phẩm: lọc hoá dầu, điện sản xuất, xi măng, clinker, thuốc lá bao, giấy bìa các loại…Đặc biệt, hoạt động ổn định và tăng công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án nguồn điện, nhất là Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là những “hạt nhân” tạo động lực chính đưa chỉ số IIP tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng công nghiệp chiếm tới 38,46% trong cơ cấu tổng sản phẩm GRDP; đồng thời giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng GRDP của tỉnh với con số ấn tượng 11,5%”.
Kỳ vọng những thành quả mới
Cũng theo Sở Công Thương, ngoài chứng kiến sự hồi phục và tăng trưởng của nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp truyền thống, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự tham gia của một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động.
Sản xuất cơ khí tại Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa.
Điển hình như cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất các sản phẩm phụ kiện quần áo như dây khóa kéo, cúc nhựa, cúc kim loại, là những sản phẩm mới trong danh mục sản phẩm công nghiệp Thanh Hóa… Đại diện DN cho biết, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngay sau khi khánh thành nhà máy đã nhanh chóng ổn định lao động, tìm kiếm kết nối thị trường, khách hàng. Hiện DN đã đảm bảo đơn hàng sản xuất cho cả năm 2024.
Một số ngành công nghiệp chủ lực cũng đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của thị trường để ổn định hoạt động, đóng góp tích cực vào thành quả của ngành công nghiệp, điển hình như sản lượng ngành dệt tăng trưởng 15,6%; ngành trang phục tăng 13%; chế biến gỗ tăng 25%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 36%…
Ông Kimura Masanori, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu trong năm 2024, chúng tôi phấn đấu sản xuất đạt khoảng 92 triệu sản phẩm. Hiện tại đơn hàng của công ty đã đảm bảo sản xuất cho hết năm 2024. Công ty chúng tôi đang tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống để người lao động yên tâm tăng ca sản xuất, đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác như đúng hợp đồng ký kết”.
Với các DN xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, EU năm 2024 cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách xung đột trên biển Đỏ khiến giá cước biển tăng. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa), cho biết: “Đơn vị có tỷ lệ thị phần hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường Nga 50%, EU 30%, Trung Đông 20% nên chịu tác động nhiều từ biến động do xung đột trên biển Đỏ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty đã chủ động phương án đàm phán với đối tác để giãn thời gian giao, nhận hàng. Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, không phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Âu. Chính vì vậy những tháng đầu năm, DN vẫn duy trì được đơn hàng để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động”.
Đến thời điểm này, nhiều DN công nghiệp đã “sở hữu” được các đơn hàng bảo đảm sản xuất cho cả năm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, dăm gỗ… đã bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng ổn định cho thời gian dài, với sản lượng sản xuất tăng từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp cũng chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng chi phối trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, chiếm khoảng 92% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Với tình hình thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp khởi sắc, việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng công nghiệp được chú trọng, điển hình như sự “khởi động” các dự án Khu Công nghiệp Giang Quang Thịnh, Khu Công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Cụm Công nghiệp Đông Bắc TP Thanh Hóa, Cụm Công nghiệp Thọ Nguyên (Thọ Xuân) và các dự án thứ cấp trong lĩnh vực công nghiệp chuẩn bị đi vào khánh thành, sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp có những kết quả “vượt mốc” trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài 3: Du lịch là điểm sáng.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tang-truong-an-tuong-tao-da-can-dich-cac-muc-tieu-phat-trien-nam-2024-bai-2-cong-nghiep-lien-tuc-chuyen-dong-219492.htm