Sáng 8/7, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều quyết sách quan trọng sẽ được bàn bạc, thảo luận và thông qua, tạo tiền đề vững chắc để Thanh Hóa hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2024 – năm tăng tốc, bứt phá để về đích nhiều chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Toàn cảnh kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
Điều hành linh hoạt, khoa học
Thành công của kỳ họp là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, song cần khẳng định cách thức tổ chức và điều hành của chủ tọa là yếu tố quyết định thành công của kỳ họp. Để kỳ họp đi đúng những vấn đề, nội dung đã được chuẩn bị, đòi hỏi chủ tọa phải điều hành một cách khoa học, bài bản và linh hoạt. Điều đó không chỉ giúp hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp với khối lượng công việc lớn, mà còn “mở hướng” cho các đại biểu trong quá trình thảo luận, chất vấn, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, thỏa mãn sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Điều này đã được đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc kỳ họp.
Thực tế ngày đầu tiên diễn ra kỳ họp cho thấy, sự điều hành linh hoạt của chủ tọa đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt để các vấn đề, các nội dung được đưa ra bàn thảo đi đến thống nhất cao. Điển hình như việc điều hành phiên thảo luận, chủ tọa luôn có sự định hướng, gợi mở để các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm đối với thành quả phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, đồng thời tập trung bàn thảo, hoạch định đường hướng mới cho những tháng cuối năm 2024.
Các đại biểu dự kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
Dành sự quan tâm đối với sự phát triển của tỉnh nói chung và hoạt động của HĐND tỉnh nói riêng, qua theo dõi phiên khai mạc, ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Dù khối lượng công việc nhiều nhưng công tác chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết phục vụ cho kỳ họp được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Giống như nhiều kỳ họp trước, kỳ họp lần này, HĐND tỉnh tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kỳ họp không giấy tờ thông qua sử dụng phầm mềm VNPT e-Cabinet. Vì thế, các báo cáo, tờ trình được trình bày một cách tóm tắt, ngắn gọn để các đại biểu dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội những tháng cuối năm”.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh tổ chức đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của cử tri. Các kiến nghị, đề xuất của cử tri được trả lời ngay tại nghị trường và trên sóng truyền hình trực tiếp, để đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh theo dõi, nắm bắt và giám sát. Qua đó, thể hiện sâu sắc tinh thần “gần dân”, “lắng nghe dân” và “vì dân” của đại biểu dân cử đối với cử tri và Nhân dân.
Những thành quả ấn tượng
Qua dự họp phiên khai mạc và nghe đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 11,5%, xếp thứ 3 cả nước; thành lập mới 1.364 doanh nghiệp, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng đầu cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 29.670 tỷ đồng… là những con số rất ấn tượng. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Hoạt động của HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đã lựa chọn, xem xét kịp thời, đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực và khả thi.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tỉnh Thanh Hóa đạt được trong 6 tháng đầu năm.(Ảnh: Minh Hiếu).
Với tốc độ tăng trưởng 21,1%, ngành công nghiệp được nhiều cử tri trong tỉnh ví như “chìa khóa” để mở ra cánh cửa của sự thịnh vượng bởi công nghiệp không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao, mà còn tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh. Đối với nông nghiệp, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thế mạnh nên việc xác định “lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng” để thúc đẩy kinh tế phát triển là phù hợp và đúng hướng. Nhờ đó mà sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực, năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, với nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, cùng nguồn tài nguyên văn hóa giàu giá trị và đậm đà bản sắc, Thanh Hóa đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Cử tri và Nhân dân trong tỉnh rất phấn khởi khi 6 tháng đầu, Thanh Hóa đón được 9,78 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ, vị thế của du lịch Thanh Hóa ngày càng được nâng cao trên thang bậc phát triển toàn ngành du lịch Việt Nam.
Các đại biểu dự kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
Phát triển bền vững cần sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển. Kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề vững chắc để các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ. “Tôi rất phấn khởi khi giáo dục mũi nhọn của Thanh Hóa tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tỉnh tổ chức thành công, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được triển khai sâu rộng, huy động được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia sẽ giúp nhiều gia đình vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”, cử tri Trần Thị Tân, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) chia sẻ.
Bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả khá ấn tượng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với một số chỉ tiêu đứng top đầu của cả nước, nhiều đại biểu và cử tri cho rằng đó là thành quả của sự thống nhất ý chí và hành động, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Thành quả ấy sẽ tạo tiền đề vững chắc, tiếp thêm động lực để Thanh Hóa phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Khẳng định quyết tâm – Hiến kế tăng trưởng
Đúng như tinh thần được đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Tiến Lam gợi mở tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi sâu phân tích, làm rõ những điểm sáng ấn tượng trong bức tranh kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm. Với tinh thần không “tô hồng” thành tựu nhưng cũng không “bôi đen” hạn chế, khuyết điểm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng, có tính xây dựng cao. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11% trở lên, thì tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2024 phải đạt 10,6% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, các đại biểu HĐND tỉnh đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp lớn theo từng lĩnh vực để tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu thảo luận tại kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
“Hiến kế” cho tỉnh một số giải pháp quan trọng, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng như sản xuất điện, may mặc, giày da. Trong lĩnh vực dịch vụ cần tập trung khai thác hiệu quả các dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ tại khu du lịch Sầm Sơn, khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa). Song song với đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trực tiếp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các các dự án lớn, dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn.
Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa phát biểu thảo luận tại kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
Để tạo đà cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, theo đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa thì các cấp, các ngành liên quan cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo kịp thời; rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn dư địa để đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả, chống thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; kiểm tra, giám sát thường xuyên hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản…, đảm bảo thu đúng, thu đủ để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh phát biểu thảo luận tại kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
Trước dấu hiệu thiếu lao động ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, kinh doanh, đại biểu Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng mỗi doanh nghiệp và các địa phương cần có giải pháp thu hút lao động ở ngoài tỉnh, nhất là lao động người Thanh Hóa đang làm ăn xa quê về làm việc tại địa phương. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, nâng cao thu nhập mới thu hút được người lao động vào làm việc. Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, thép hoạt động chỉ đạt 75% công xuất thiết kế do thị trường bất động sản giảm sút, tỉnh và các doanh nghiệp cần có các giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Lương Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Như Xuân phát biểu thảo luận tại kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu).
Để nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế – xã hội đã được Đảng, Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn gặp không ít khó khăn. Với mong muốn kéo gần khoảng cách giữa miền xuôi và miền núi, đại biểu Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách đặc thù phù hợp theo từng giai đoạn, trong đó quan tâm nhiều hơn cho đầu tư phát triển y tế, giáo dục và có chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới.
Đồng quan điểm này, đại biểu Lương Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Như Xuân kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn thiếu; sớm triển khai thực hiện các nội dung điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS số theo Nghị quyết số 100/2023/NQ15 của Quốc hội, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện. Cùng với phân bổ kinh phí hằng năm kịp thời, cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho các địa phương nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chính sách dân tộc và miền núi.
Để hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội của năm 2024 trong bối cảnh được dự báo là khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn ở 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu cho rằng, các ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung rà soát, đánh giá các nhiệm vụ còn lại. Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, cần tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất, tạo tiền đề cho kế hoạch năm 2025. Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp khả thi, có tính đột phá.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quang Hải đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường (Ảnh Minh Hiếu).
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã mang đến kỳ họp một lượng thông tin phong phú, đa dạng, mang đậm tính thực tiễn được ghi nhận từ chính quá trình vận hành, chuyển động, phát triển của ngành mình, địa phương, đơn vị mình. Kết thúc phần thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quang Hải đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Trong 14 ý kiến thảo luận, có nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với Thanh Hóa, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tố Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tang-toc-but-pha-de-ve-dich-nhieu-chi-tieu-quan-trong-218934.htm