Hiện nay, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi ở các địa phương đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm (GSGC) để bảo đảm cung ứng các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, kỳ vọng vào “thời điểm vàng” tiêu thụ lớn nhất trong năm.
Ông Nguyễn Thế Vân, xã Bãi Trành (Như Xuân) vỗ béo cho đàn trâu, bò để kịp xuất bán ra thị trường vào dịp cuối năm.
Mặc dù duy trì sản xuất liên tục trong năm, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gà, đối với lứa nuôi cuối năm, ông Lê Văn Lợi, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) thường tăng đàn lên khoảng 300 đến 400 con do nhu cầu của các thương lái tăng cao. Theo ông Lợi: Từ tháng 9, ngay sau khi xuất bán lứa gà thứ 2 trong năm, gia đình ông đã gia cố lại chuồng trại, sử dụng hóa chất và vôi bột để vệ sinh chuồng trại trước khi đưa con giống vào nuôi, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, bỏ trống chuồng cách ly dịch bệnh… thực hiện các điều kiện cần thiết để kịp tái đàn. Đối với con giống, gia đình chú trọng kiểm tra giấy tờ kiểm định chất lượng để bảo đảm con giống khỏe, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn. Hiện nay, đang trong giai đoạn chuyển mùa nên tôi đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin, bổ sung thức ăn, vitamin để nâng cao sức đề kháng của đàn vật nuôi.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương có 114 trang trại chăn nuôi; hầu hết các trang trại đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas, hạn chế rủi do dịch bệnh; đồng thời áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tạo ra sản phẩm an toàn. Hiện, huyện có trên 1 triệu con gia cầm, 40.000 con lợn và 10.000 con trâu bò; với xu hướng như hiện nay, vào dịp cuối năm, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn có thể tăng từ 20% so với bình quân các tháng trước đây. Để hoàn thành mục tiêu phát triển chăn nuôi, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, huyện đã thực hiện công tác dự báo nhu cầu của thị trường để có kế hoạch hướng dẫn người dân tái đàn, định hướng con nuôi, số lượng đàn, tránh tái đàn ồ ạt. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC, tiêm phòng vắc-xin đúng quy định. Ngoài thức ăn công nghiệp, khuyến khích người chăn nuôi tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí, cũng như không sử dụng thức ăn kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán.
Bên cạnh gia cầm, thịt bò cũng là một trong những sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong thời điểm cuối năm. Tết Nguyên đán tới đây, ông Nguyễn Thế Vân, xã Bãi Trành (Như Xuân) dự định sẽ xuất bán khoảng 30 con trâu, bò thương phẩm. Theo ông Vân: Những tháng cuối năm, gia đình tôi sẽ đẩy mạnh vỗ béo cho trâu, bò để đạt chất lượng thịt và trọng lượng, kịp xuất bán ra thị trường vào dịp tết. Gia đình tôi cũng trồng thêm 1 ha cỏ voi, tích vào kho dự trữ để làm thức ăn cho đàn bò vào mùa đông. Bên cạnh đó, tẩy giun sán cho trâu bò và cho ăn đủ rơm, cỏ; đối với những con gầy yếu thì cho ăn thêm các loại thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể, tạo đà cho những tháng tiếp theo… Nếu thực hiện đúng quy trình chăm sóc, con nuôi sẽ có trọng lượng lớn, vóc dáng đẹp, chất lượng và tỷ lệ thịt tốt do vậy mà xuất bán khá dễ dàng, được giá nhất là vào dịp cận tết.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 25 triệu con; đàn lợn khoảng 1,3 triệu con và đàn trâu, bò khoảng 450 nghìn con. Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm từ 10 đến 30% so với ngày thường. Từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt GSGC trong những tháng cuối năm sẽ không thiếu. Một tín hiệu tốt trong thời gian qua đó là giá lợn hơi, gia cầm đã bình ổn trở lại, trong khi đó giá thức ăn có xu hướng giảm nên người chăn nuôi có thể yên tâm tăng đàn, tái đàn.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi cần theo sát diễn biến của thị trường, dự báo đúng khả năng tiêu thụ để xác định quy mô tái đàn, tăng đàn phù hợp, đảm bảo hiệu quả sản xuất tốt nhất. Nguồn giống GSGC phục vụ nhu cầu tái đàn chủ yếu được nhập về từ tỉnh ngoài, nên công tác giám sát kiểm dịch cần được ngành chức năng tăng cường, đảm bảo lượng GSGC nhập vào tỉnh có nguồn gốc rõ ràng và an toàn dịch bệnh. Thời điểm cuối năm thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, vì vậy các hộ chăn nuôi cần cân đối các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định. Do nhu cầu sử dụng thịt GSGC tăng cao nên đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nếu nguồn hàng không đảm bảo chất lượng, vì vậy các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra tại các chợ, điểm giết mổ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng…
Bài và ảnh: Lê Ngọc