Cùng với sự phát triển của lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây phát triển mạnh. Việc quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y cũng cần phải siết chặt để bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, cũng như phát triển ngành chăn nuôi một cách hiệu quả.
Cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tại xã Lương Sơn (Thường Xuân).
Với quy mô chăn nuôi hơn 60 nghìn con gà thương phẩm mỗi năm, gia đình ông Lê Văn Lợi, thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) có thu nhập hàng tỷ đồng. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn đàn vật nuôi luôn được gia đình quan tâm. Ông Lợi cho biết: “Trong chăn nuôi gia cầm dù rất chủ động các biện pháp phòng bệnh nhưng cũng khó tránh được dịch bệnh, nhất là các loại bệnh thông thường khi chuyển mùa như hô hấp, tiêu hóa… Vì vậy, khi đàn gia cầm bị bệnh, tôi thường liên hệ với cán bộ thú y để chẩn đoán bệnh chính xác và mua thuốc ở các cửa hàng uy tín đã được ngành chức năng cấp phép, nhằm tránh mua phải những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chất lượng kém.
Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao. Cụ thể, tổng đàn trâu có khoảng 170.000 con; đàn bò khoảng 265.000 con; đàn lợn khoảng 1,3 triệu con; đàn gia cầm khoảng 26,5 triệu con. Cùng với sự phát triển của chăn nuôi, hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng ngày càng mở rộng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có gần 2.500 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 558 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Nhìn chung, các cửa hàng này đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định về kinh doanh như có địa điểm cố định, đầy đủ các loại chứng chỉ, giấy phép hành nghề, các loại thuốc kinh doanh đều nằm trong danh mục, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, cập nhật danh sách và đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, buôn bán và sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cho 100% cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở trong thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi kinh doanh, buôn bán thuốc thú y; không buôn bán chất cấm, chất tạo nạc cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, chi cục thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá phân loại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y. Các lĩnh vực thanh, kiểm tra tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thuốc thú y, vắc-xin, hóa chất, chế phẩm sinh học và đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ các danh mục thuốc, giấy đăng ký kinh doanh và điều kiện kinh doanh của các cửa hàng… Từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp kiểm tra hơn 100 cơ sở, trong đó có 23 cơ sở vi phạm và chủ yếu là không niêm yết giá bán thuốc; thuốc thú y không đạt yêu cầu chất lượng so với tiêu chuẩn công bố trên nhãn hàng hóa; một số mặt hàng thuốc thú y đã bị cấm không được sử dụng trong chăn nuôi, thuốc thú y đã hết hạn và không có trong danh mục cho phép; cơ sở vật chất kinh doanh chưa được chú trọng, thiếu nhiệt kế, ẩm kế, hàng hóa lộn xộn, không có hóa đơn mua, bán hàng…
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý kinh doanh thuốc thú y vẫn đang gặp nhiều khó khăn do danh mục thuốc thú y nằm trong danh mục cho phép sử dụng lớn; địa bàn rộng, các cửa hàng kinh doanh thuốc phân bố rải rác ở khắp các địa phương nên việc giám sát, theo dõi và phân tích mẫu gặp nhiều trở ngại; nhiều cơ sở kinh doanh thuốc thú y chưa nắm vững các quy định của pháp luật về điều kiện và quy định bắt buộc khi kinh doanh thuốc thú y…
Để làm tốt việc quản lý, cùng với sự tích cực của ngành chuyên môn, chủ hộ kinh doanh cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về hoạt động kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y. Cùng với đó, mỗi người chăn nuôi cần nâng cao kiến thức về sử dụng thuốc thú y khi phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Tuyệt đối không sử dụng thuốc thú y ngoài danh mục, các chất cấm. Khi phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương, ngành chức năng để có biện pháp xử lý. Từ đó tiến tới kiểm soát được chất phụ gia, chất bảo quản trong nông sản, thực phẩm trên địa bàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.
Bài và ảnh: Minh Hà