Thời gian qua, cùng với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, các lực lượng có liên quan của tỉnh và các địa phương đã tích cực kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến, thu mua lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở chế biến gỗ keo của Công ty LHD tại xã Bãi Trành (Như Xuân) là một trong những đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh lâm sản.
Huyện Như Xuân hiện có 14 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tăng cường công tác quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 2/3/2023 để kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, Hạt Kiểm lâm cùng với các phòng, ban có liên quan của huyện Như Xuân đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều đợt kiểm tra các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn. Qua kiểm tra, các lực lượng đã phát hiện và lập biên bản, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của các ông Trần Viết Huệ, Trịnh Văn Hà, Nguyễn Văn Xuân trên địa bàn xã Bãi Trành về hành vi: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm khác (thuộc đất được nông trường Bãi Trành giao quản lý sử dụng) để xây dựng nhà, xưởng trái phép khi chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp có thẩm quyền. Các lực lượng chức năng buộc các cơ sở khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 230.453 ha rừng trồng sản xuất (trong đó, rừng trồng 123.804 ha, chiếm 53,72% diện tích) với cơ cấu cây trồng chủ yếu như: keo, lát hoa, xoan ta… Hàng năm, các chủ rừng khai thác trung bình khoảng 680.000m3 khối gỗ rừng trồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 doanh nghiệp, nhà máy có hoạt động thu mua và chế biến gỗ rừng trồng. Trong đó, có 15 nhà máy chế biến tinh quy mô lớn, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, tiêu thụ khoảng 70% nguồn nguyên liệu trong tỉnh. Tiêu biểu, như: Nhà máy Chế biến gỗ Thành Nam (Như Xuân); Nhà máy Chế biến gỗ Dokata (Thường Xuân); Công ty CP Xuân Sơn (Thạch Thành); Công ty TNHH Innovgreen (thị xã Nghi Sơn); Công ty CP Chế biến Lam Sơn (Thọ Xuân)…
Để siết chặt quản lý cơ sở thu mua và chế biến lâm sản, các huyện miền núi của tỉnh đang tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các lực lượng có liên quan kiểm tra, rà soát các cơ sở thu mua, chế biến gỗ trên địa bàn về điều kiện sản xuất, kinh doanh, quản lý đất đai, về môi trường, an toàn lao động… Qua đó, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các cơ sở vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản. Đối với các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, các lực lượng kiên quyết lập hồ sơ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng hoặc thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các ban quản lý rừng phòng hộ cũng tích cực phối hợp với các xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý, các hộ nhận khoán để phát hiện, ngăn chặn các cơ sở, chủ hộ tự phát xây dựng cơ sở thu mua, chế biến lâm sản trên đất lâm nghiệp thuộc các ban quản lý.
Thực hiện Công văn số 14576/UBND-CN ngày 29/9/2023 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động vận chuyển lâm sản trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các kho, bãi tập kết lâm sản, nông sản để tuyên truyền, yêu cầu các chủ kho, bãi viết cam kết không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng, quá khổ lên phương tiện, các bãi tập kết vi phạm hành lang an toàn giao thông. Đồng thời, các cơ sở không được thực hiện thu mua, tập kết các bãi lâm sản tự phát dọc trên các tuyến đường trong phạm vi hành lang an toàn giao thông, để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, các huyện miền núi đang tích cực triển khai các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vùng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn và hỗ trợ Nhân dân trồng rừng gắn với chế biến sâu, liên kết theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất rừng trồng.
Bài và ảnh: Lê Hợi