Thời điểm này, những hộ chăn nuôi gia cầm tại các địa phương đang tăng cường vận chuyển, xuất bán con nuôi cùng với điều kiện thời tiết cuối năm lạnh, khô… sẽ là điều kiện thuận lợi để dịch cúm gia cầm (CGC) lây lan và bùng phát mạnh. Trước thực tế đó, với tổng đàn gia cầm lớn, ngành nông nghiệp và người chăn nuôi đang tăng cường các biện pháp chủ động trong phòng, chống dịch bệnh.
Người dân xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) tăng cường phun tiêu độc, khử trùng tại trang trại.
CGC là một loại bệnh cúm do vi-rút gây ra cho các loài gia cầm lây lan qua nhiều con đường như vận chuyển gia cầm, di cư của chim hoang dã qua không khí, chất thải, nước, dụng cụ chăn nuôi… Bệnh dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, vi-rút lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm và một số chủng vi-rút cúm có thể lây sang người. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ kết quả giám sát trong năm 2024, tỷ lệ lưu hành vi-rút CGC A của tỉnh cao, lên đến 3,2%, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát dịch bệnh; ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương không lơ là, chủ quan; chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vi-rút CGC lây nhiễm, nhất là tại thời điểm cuối năm.
Năm nay, đàn gà nhà chị Đoàn Thị Dung, xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) đã được các thương lái đặt mua với số lượng lớn từ nhiều tháng trước, vì vậy, để bảo đảm số lượng đàn, chị đã thực hiện các biện pháp chăm sóc như: chuẩn bị bạt để che chắn khi có gió lạnh, cung cấp nguồn thức ăn dinh dưỡng kết hợp giữa các loại bột và thức ăn công nghiệp, các loại vitamin… để nâng cao sức đề kháng… Theo chia sẻ của chị: “Sau khi nghe xã tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nhất là vào thời điểm cuối năm, tôi đã thực hiện nuôi nhốt đàn gà trong chuồng để tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc-xin phòng bệnh bổ sung, theo dõi sức khỏe đàn gà hằng ngày…”.
Tại huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Đình Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn, cho biết: “Trước những thông tin về dịch CGC trên cả nước và trên địa bàn tỉnh, cùng với các văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp, trung tâm đã nhanh chóng thông báo đến người chăn nuôi về tình hình thực tế dịch bệnh cũng như yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin bổ sung đầy đủ… Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng xử lý, bao vây, khống chế khi xuất hiện ổ dịch, không để dịch lây lan. Trong thời điểm cuối năm, tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh, vận chuyển gia cầm…”.
Thời gian qua, dịch bệnh CGC đã xảy ra tại 2 xã Ái Thượng (Bá Thước) và Trung Tiến (Quan Sơn). Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, nhưng đặt ra yêu cầu cao về phòng chống dịch CGC cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông để ngăn chặn các mối nguy và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành vi-rút cúm A/H5 và các loại CGC khác tại các địa bàn có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng…
Tại một số địa phương có số lượng đàn gia cầm lớn như Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân… cần đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp như: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh… Bên cạnh đó, tại thời điểm cuối năm, cần kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán sản phẩm gia cầm; các cơ sở thu mua động vật, sản phẩm gia cầm… Trong trường hợp có gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, các địa phương cần nhanh chóng tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch. Cùng với đó, có kế hoạch dự phòng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất, để chủ động phòng chống dịch khi có dịch xảy ra; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng. Đồng thời, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật trong đó có động vật hoang dã, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-cum-gia-cam-237208.htm