Ngày 3/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh tổ chức Phiên họp đánh giá kết quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT và NHCSXH Thanh Hóa năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì Phiên họp.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH phát biểu tại hội nghị.
Năm 2023, Ban đại diện HĐQT các cấp, NHCSXH Thanh Hóa, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đều đạt, vượt mục tiêu nghị quyết của Ban đại diện đề ra; nguồn vốn ưu đãi phủ kín đến 100% khu dân cư, thôn, bản và được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Ban đại diện HĐQT đã tổ chức đầy đủ các phiên họp thường kỳ để đánh giá kết quả hoạt động; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về hoạt động chính sách trên địa bàn.
Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa Lê Hữu Quyền phát biểu tại hội nghị.
Cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chính sách xã hội, chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt 508,5 tỷ đồng; 100% các đơn vị cấp huyện đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Bên cạnh đó, thường xuyên chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng; bảo đảm tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế, chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tính đến 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 13.794 tỷ đồng, tăng 1.651 tỷ đồng so với đầu năm với 251.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Các tổ chức chính trị – xã hội đang thực hiện dịch vụ ủy thác 13.666 tỷ đồng, chiếm 99,1%/tổng dư nợ của NHCSXH. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 18,6 tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn gần 9,9 tỷ đồng, chiếm 0,07% tổng dư nợ; nợ khoanh gần 8,8 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng dự nợ. Tín dụng chính sách đã khẳng định vai trò “trụ cột” trong công tác giảm nghèo, góp phần giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hoá Lê Văn Châu phát biểu tại hội nghị.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên trong Ban đại diện HĐQT và NHCSXH Thanh Hóa trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng chí đề nghị các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, NSCHXH các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch hành động số 23-KH/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH phát biểu tại hội nghị.
Tiếp tục nêu cao vai trò của các thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp đặc biệt là các thành viên Ban đại diện HĐQT là Chủ tịch UBND cấp xã trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách; chú trọng, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay tại cơ sở, từ đó đưa ra những giải pháp chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách.
NHCSXH Thanh Hóa chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH huyện chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã trong việc kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động kém hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng đối với các địa bàn và những đơn vị có chất lượng thấp, chưa ổn định, chưa bền vững; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động Điểm giao dịch xã. UBND, Ban giảm nghèo cấp xã rà soát và xác nhận đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, bảo đảm hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện, thuộc đối tượng đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân. Tuyên truyền, vận động tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm theo quy ước hoạt động của Tổ nhằm thực hành tiết kiệm, tạo nguồn tích lũy. Tiếp tục quan tâm, chú trọng tới việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại những đơn vị có nợ quá hạn cao, số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trung bình, yếu cao, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót tại cơ sở…
Khánh Phương