Hiện nay, giá tôm nuôi đã tăng trở lại, dự báo sẽ tiếp tục tăng và ổn định trong những tháng cuối năm, đặc biệt là giá tôm thẻ chân trắng. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 4292/ SNN&PTNT-CCTS về tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm 2023 bảo đảm kế hoạch tăng trưởng.
Khu nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa).
Trong 8 tháng năm 2023, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng trên tôm nuôi, chi phí vật tư đầu vào tăng cao. Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản nuôi không ổn định, đặc biệt giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước, gây khó khăn cho người nuôi trong công tác tái đầu tư sản xuất.
Hiện nay, giá tôm nuôi đã tăng trở lại và dự báo trong các tháng cuối năm giá thủy sản nuôi sẽ tiếp tục tăng, ổn định, đặc biệt là giá tôm thẻ chân trắng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch lĩnh vực nuôi trồng thủy sản năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
Mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tại xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).
UBND các huyện, thị xã, thành phố ổn định diện tích nuôi thủy sản hiện có, tăng vụ thả nuôi nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước sẵn có để tăng sản lượng và giá trị sản phẩm nuôi trồng, góp phần nâng cao sản lượng toàn lĩnh vực năm 2023. Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng thuỷ sản. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số thức ăn. Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân báo cáo, thống kê đầy đủ khi xảy ra dịch bệnh trên động vật thủy sản và thực hiện tốt công tác kê khai ban đầu; triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống thiên tai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả vụ nuôi. Cùng với đó, UBND cấp huyện cần tiếp tục tổ chức thẩm định, đánh giá cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp (các HTX nuôi trồng thủy sản); đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức ký cam kết và tăng cường kiểm tra việc chấp hành ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Nhiều vùng thủy sản trong tỉnh đang gia tăng vụ thả nuôi nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước.
Chi cục Thủy sản: Tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các vùng nuôi ổn định diện tích nuôi trồng với các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Duy trì diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, tôm-lúa, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú; phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thuỷ sản (về quản lý giống thuỷ sản, quản lý nuôi trồng thuỷ sản, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thuỷ sản), xử lý nghiêm các vi phạm và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường từng đợt (2 đợt/tháng) ban hành các văn bản hướng dẫn, thông tin kịp thời gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã có nuôi tôm nước lợ, nuôi ngao, nuôi cá lồng nước ngọt, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi các biện xử lý môi trường cho ao nuôi, vùng nuôi phù hợp. Hướng dẫn, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định tại Nghị định 26 cho cơ sở nuôi trồng thủy sản…
Nuôi trồng thủy sản nước lợ ven sông mã tại TP Sầm Sơn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát việc thực hiện kiểm dịch giống nhập vào địa bàn. Tham mưu, chuẩn bị các điều kiện về vật tư, hoá chất hỗ trợ các địa phương khi có dịch bệnh xảy ra.
Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản: Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; chương trình giám sát NT2MV để đưa vùng sản xuất và các hoạt động kinh doanh sản phẩm ngao nuôi phát triển bền vững, ổn định, các tiêu chí vùng kiểm soát thu hoạch, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đối với những mô hình trình diễn năm 2023 đã được phê duyệt. Đồng thời, chú trọng việc tập huấn, phổ biến, hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền về kết quả các mô hình do Trung tâm thực hiện, các mô hình nuôi trồng thủy sản tiêu biểu trong tỉnh.
Lê Hòa (tổng hợp)