UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2023-2024.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay phổ biến từ 1.100-1.600 mm (trung bình toàn tỉnh 1.445,3 mm), đạt 88% so với tổng trung bình nhiều năm (TBNN), đạt 74,1% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 90,2% so với TBNN cùng kỳ. Hiện tại, có 394/609 hồ chứa đã tích đầy nước, còn lại 215/609 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT).
Dự báo từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, khu vực tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa ở mức xấp xỉ so với TBNN và phổ biến từ 70-150 mm, riêng khu vực vùng núi, thị xã Nghi Sơn, các huyện Nông Cống, Như Xuân, Như Thanh có nơi trên 150 mm. Nhiệt độ không khí trung bình có khả năng ở mức cao hơn so với TBNN khoảng từ 0,5-1 0C. Mực nước trên các sông dao động theo xu thế xuống thấp dần và ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ. Lượng dòng chảy trên sông Mã tại Cẩm Thủy, sông Chu tại Cửa Đạt ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ và thiếu hụt từ 20-50%, có nơi trên 50%.
Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024.
Bên cạnh đó, tổ chức, huy động lực lượng toàn dân ra quân làm thủy lợi mùa khô trên địa bàn trong thời gian từ ngày 27/11/2023 đến ngày 27/12/2023.
Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam sông Mã và các đơn vị có liên quan căn cứ diễn biến tình hình thời tiết, quy trình vận hành liên hồ, hồ chứa có liên quan và trên cơ sở mực nước hồ Cửa Đạt hiện có, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung cấp nước cho cả vụ, từng tháng, từng đợt tưới đảm bảo đủ nước tưới, chống hạn vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và đầu vụ Mùa năm 2024.
Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, kịp thời thông tin, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Tập trung chỉ đạo công tác ra quân làm thủy lợi mùa khô đảm bảo theo kế hoạch đề ra; tổng hợp, báo cáo kết quả cụ thể với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 22/1/2024.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Nhà máy thủy điện vận hành phát điện với lưu lượng, thời gian phù hợp nhu cầu dùng nước, đồng thời duy trì mực nước ổn định để đảm bảo cho các trạm bơm dọc sông Mã lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa tập trung duy trì đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm tưới, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối lớn, các trạm bơm vùng triều phải được ưu tiên cấp điện 24/24h để tranh thủ bơm nước phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo triển khai công tác đo mặn, theo dõi giới hạn độ mặn 1‰ trên các tuyến sông Lèn, sông Mã, sông Yên, kịp thời thông tin cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan để chỉ đạo công tác điều hành lấy nước chống hạn, tránh lấy phải nước mặn.
Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, tăng thời lượng, kịp thời thông báo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh để các cấp, các ngành và Nhân dân biết, chủ động ứng phó, khắc phục có hiệu quả bất lợi do thời tiết gây ra, bảo đảm giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và vụ Mùa năm 2024.
TS (Nguồn: UBND tỉnh)