Với 93.293 ha rừng, trong đó có 67.320 ha rừng tự nhiên, Thường Xuân là một trong những huyện còn giàu tài nguyên rừng của tỉnh. Cùng với những lợi ích nhiều mặt từ rừng, thì nguy cơ mất ổn định an ninh rừng luôn tiềm ẩn ở mức cao.
Cán bộ, công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Xuân Lộc.
Chính vì thế, trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự “vào cuộc” của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham mưu có hiệu quả của hạt kiểm lâm; công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL, BVR) trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã được quan tâm. Vai trò của các chủ rừng ngày càng được nâng cao. Diện tích rừng trồng được chăm sóc bảo vệ tốt, góp phần tạo thêm thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân, kinh tế lâm nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành, lĩnh vực. Các hành vi xâm hại tài nguyên rừng về cơ bản đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật; an ninh rừng trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Đặc biệt gần 10 tháng năm 2023 không xảy ra cháy rừng.
Trao đổi với chúng tôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, ông Nguyễn Văn Bính cho biết, phát huy những kết quả đạt được, nhằm giữ vững ổn định an ninh rừng theo hướng bền vững, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, chế độ hưởng lợi; lợi ích to lớn từ công tác BVR đối với cuộc sống của người dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân không khai thác, phá rừng, xâm lấn rừng trái pháp luật để làm nương rẫy; không sử dụng lửa bừa bãi để gây cháy rừng; không mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản, động vật rừng trái pháp luật trên địa bàn và thẩm lậu qua biên giới Việt – Lào. Với phương châm “tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi” bằng nhiều hình thức khác nhau như: hội nghị ở xã, ở thôn, bản… Thông qua vai trò của MTTQ để tập hợp các tổ chức thành viên, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và những người tiêu biểu, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, cộng đồng dân cư… trong việc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng, chính quyền, lựa chọn các thôn, bản trọng điểm về an ninh rừng để tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của Nhân dân về lĩnh vực lâm nghiệp, từ đó kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, không để các vụ việc nổi cộm có đơn thư vượt cấp.
Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, hạt kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch BVR; trong đó xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ về khai thác, phá rừng, cháy rừng để có giải pháp quản lý, bảo vệ. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, thông báo công khai việc xử lý vi phạm đến cộng đồng dân cư để người dân được biết nhằm răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của Nhân dân. Không để xảy ra tụ điểm, điểm nóng về khai thác, phá rừng trái pháp luật. Giữ vững ổn định an ninh rừng, phát triển rừng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bài và ảnh: Thu Hòa