Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, được kiểm soát. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ GSGC và sản phẩm GSGC tăng nên khả năng nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh cao. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC.
Phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Những năm qua, huyện Yên Định đã chú trọng triển khai các giải pháp, ban hành các chính sách kích cầu để phát triển chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng. Đã hình thành nhiều khu chăn nuôi tập trung, các trang trại quy mô lớn, đa dạng con nuôi có chất lượng cao… Ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn. Để công tác tiêm phòng cho đàn GSGC thực hiện đúng kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát số lượng vật nuôi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn; tuyên truyền để người dân biết về lợi ích của việc tiêm phòng đối với dịch bệnh trên đàn GSGC; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng.
Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi. Tại trang trại chăn nuôi gia cầm của ông Nguyễn Chí Cường, xã Đông Phú (Đông Sơn), biện pháp luôn được ông duy trì trong nhiều năm qua là sử dụng đệm lót sinh học, bởi theo ông, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế sự xâm nhiễm của dịch bệnh. Đệm lót chủ yếu là trấu và mùn cưa, sử dụng men vi sinh Balasa N01 phối trộn cùng cám gạo và bột ngô, sẽ tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi; chi phí làm đệm lót có giá thành thấp và dễ dàng tìm mua trên thị trường… Hiệu quả của phương pháp này là việc phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt GSGC tăng mạnh. Trong những ngày chuyển mùa, là điều kiện để các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, lây lan và bùng phát. Bên cạnh đó, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh lớn, chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, một số loại bệnh GSGC vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh GSGC; trọng tâm là công tác giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, các biện pháp ứng phó khi dịch bệnh xảy ra…
Để chủ động tạo miễn dịch, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh phát sinh, lây lan, các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo, tổ chức tiêm phòng GSGC đợt 2/2023 theo đúng kế hoạch. Đồng thời, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm… Các địa phương cần vận động người chăn nuôi khi phát hiện trong đàn vật nuôi có biểu hiện ốm, chết bất thường phải thông báo cho chính quyền địa phương; không bán chạy, không vứt xác GSGC chết ra môi trường, không giết mổ GSGC ốm chết làm thực phẩm…
Bài và ảnh: Lê Ngọc