Cuối năm, vào tết, câu chuyện lương, thưởng cho người lao động luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Ảnh minh họa.
Trong những ngày qua, báo chí tiếp tục thông tin những khía cạnh khác nhau về đời sống công nhân, người lao động. Ở khía cạnh tích cực, có tính lan tỏa cao đó là nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng tết khá sớm. Trong đó, thông tin rất đáng chú ý là Công ty CP Sài Gòn Food quyết định thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho công nhân với mức thưởng bình quân 16 triệu đồng/người; công nhân có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua được thưởng gần 30 triệu đồng/người. Công ty còn thực hiện thưởng lương tháng 13 cho toàn thể người lao động với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng, thưởng Tết dương lịch 2024 với số tiền hơn 900 triệu đồng. Những việc làm như thế đang tiếp tục truyền tải thông điệp về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếng nói bảo vệ lợi quyền cho giai cấp công nhân…
Còn ở chiều đối lập, vẫn còn rất nhiều người lao động không được bảo vệ quyền lợi, ngay đến thứ rất thiết thân là bảo hiểm xã hội cũng đang bị nợ đọng.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến đầu tháng 11/2023, tổng số tiền doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước khoảng 14.650 tỷ đồng. Hệ lụy của việc này là khiến 200.000 người lao động có nguy cơ không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản và mất đi nhiều quyền lợi chính đáng khi xảy ra các rủi ro…
Những câu chuyện trái ngược như thế không phải bây giờ mới xảy ra. Sự chăm lo một cách trách nhiệm, nghĩa tình, hay việc trốn tránh, chây ì nghĩa vụ của giới chủ đối với người lao động là hệ quả của sự hạn chế về tầm nhìn.
Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, trong khi nhiều chủ doanh nghiệp biết chăm lo cho công nhân với suy nghĩ là lợi ích đồng hành, rủi ro chia sẻ, để công nhân đem lại lợi ích lớn hơn và dài lâu cho doanh nghiệp, thì nhiều người sử dụng lao động lại xem công nhân chỉ là người làm thuê. Mọi sự tính toán thực dụng có lợi nhất cho doanh nghiệp được họ tối ưu hóa, bao gồm cả việc tính toán chế độ với công nhân một cách cực đoan. Không chỉ tìm cách giảm lương, cắt thưởng, nhiều chủ doanh nghiệp còn ăn chặn, bớt xén quyền lợi chính đáng của công nhân đó là bảo hiểm xã hội. Những chủ doanh nghiệp như thế trước tiên vi phạm pháp luật, sau đó còn cho thấy hạn chế rất lớn về văn hóa, nhân cách.
Phải xác định được rõ ràng rằng, lợi ích của người lao động, cao hơn chính là lợi ích của doanh nghiệp. Sau rất nhiều biến cố trong đời sống công nhân thời gian qua, sự chăm lo, vỗ về có tính “khoan thư sức công nhân” là điều rất cần thiết, phàm là chủ doanh nghiệp có văn hóa, có tầm nhìn đều áp dụng. Có rất nhiều lý do để chủ doanh nghiệp có thể bớt xén, chây ì, nhưng tuyệt nhiên phải xem công nhân là lực lượng lao động quan trọng bảo toàn sự hoạt động ổn định, lâu dài của doanh nghiệp, để có sự ứng xử đúng mức. Những công nhân có kỹ thuật, kinh nghiệm càng quan trọng, phải được xem trọng, có chế độ chăm sóc cao hơn.
Vậy nên, gác lại mọi khó khăn trước mắt, gạt bỏ đi những tính toán không được hoan nghênh, để tính tới những lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, dịp tết sắp tới này là cơ hội tốt nhất để chủ doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, qua đó thể hiện văn hóa doanh nhân và tầm nhìn doanh nghiệp.
Thái Minh