Ngay sau khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt Thông báo kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW; Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, gắn với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) CVĐ cấp tỉnh, cấp huyện và thường xuyên kiện toàn khi có sự thay đổi. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 43-HD/BTGTU, ngày 5/5/2022 về hướng dẫn tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW để tuyên truyền, quán triệt đến đảng viên và các tầng lớp Nhân dân…
Khách hàng chọn mua các sản phẩm hàng Việt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng bày bán tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.
Có thể khẳng định, qua 15 năm triển khai, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp Nhân dân. Sức lan tỏa mạnh mẽ của CVĐ đã góp phần củng cố niềm tin và xu hướng dùng hàng Việt trong Nhân dân, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD) phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường…, góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung CVĐ; giới thiệu, quảng bá chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, SXKD trong tỉnh, trong nước… Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức, cũng như nhận được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, DN và Nhân dân, tạo sức lan tỏa làm thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân.
Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện CVĐ gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương. CVĐ đã góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển cả về quy mô, số lượng và hoạt động SXKD, từ đó tạo nhiều công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, MTTQ các cấp trong tỉnh đã gắn với 5 nội dung CVĐ “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Qua đó, đã lồng ghép tổ chức 16.367 hội nghị tuyên truyền về CVĐ cho trên 2.946.000 lượt cán bộ mặt trận từ huyện đến cơ sở; tổ chức Chương trình “Đoàn kết – Sáng tạo” năm 2024 với 30 gian hàng là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại các vùng, miền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gắn với chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029; biểu dương, tôn vinh 57 tập thể, cá nhân có sáng kiến, ý tưởng tiêu biểu trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa Thanh Hóa…
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đưa đến người tiêu dùng những thông tin chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, về thị trường, giá cả và các quy định của Nhà nước liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành, các DN tổ chức nhiều hoạt động bán hàng Việt khuyến mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm. Khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động kết nối với các cửa hàng bán lẻ, đại lý, mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng.
Bên cạnh đó, BCĐ đã phối hợp cùng mặt trận, các đoàn thể các cấp tích cực tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng. Phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước về giá, tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhà phân phối, kinh doanh trong việc chấp hành quy định về đăng ký, kê khai hàng hóa, niêm yết giá. Nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của người SXKD dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Theo nhận định, đánh giá của các sở, ban, ngành, các địa phương, có gần 90% người tiêu dùng Thanh Hóa ưu tiên lựa chọn hàng hóa trong nước, trong tỉnh sản xuất khi mua sắm (tăng gần 20% so với năm 2009). Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, với sự tham gia, vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan, ban, ngành, các cấp và sự tin tưởng, đồng thuận của người dân, đến nay, thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh (27 siêu thị, trung tâm thương mại; hơn 500 cửa hàng tiện lợi; kênh thương mại điện tử…) và các kênh phân phối truyền thống (386 chợ, cửa hàng tạp hóa…) đạt tỷ lệ trên 80%. Gần 90% người tiêu dùng và DN trong tỉnh biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt”, “Tinh hoa hàng Việt”. Trên 85% DN biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% DN tham gia phong trào này. Tại thị trường Thanh Hóa, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước chiếm khoảng trên 80% (tăng khoảng 15% so với năm 2009), nhất là trong các siêu thị như Co.opmart, GO! Thanh Hóa… và hệ thống cửa hàng bán lẻ Winmart+, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tới gần 90%. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường gồm: Thực phẩm nông sản, bánh, kẹo, đường, sữa, bia, rượu, gia vị các loại; hàng dệt may; da giày; dược phẩm; hóa mỹ phẩm; vật tư nông nghiệp; vật liệu xây dựng, đồ gỗ nội thất…
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong 15 năm qua, những năm tiếp theo việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện CVĐ cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng và rà soát, bổ sung kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan Nhà nước các cấp, tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hoạt động SXKD, dịch vụ, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh phát triển. Tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát thị trường để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng được các chiến lược, định hướng phát triển SXKD, dịch vụ. Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, vận động các DN đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu hàng hóa do các DN trong tỉnh, trong nước sản xuất. Đẩy mạnh mở rộng và nâng cao chất lượng CVĐ từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, các DN, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện CVĐ đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.
Tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của doanh nghiệp, người dân về sản xuất và tiêu dùng hàng Việt
Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, Sở Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của doanh nghiệp và người dân về sản xuất và tiêu dùng, nhờ đó hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng, các sản phẩm OCOP đã và đang bao phủ rộng khắp mạng lưới phân phối từ chợ truyền thống đến cửa hàng tiện ích cũng như siêu thị, trung tâm thương mại. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó định hướng và tạo thói quen cho người dân có ý thức trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức thương mại thế giới. Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước. Tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương mở các lớp tập huấn tuyên truyền, nhận diện bán hàng đa cấp bất chính gắn với CVĐ. Tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và phiên chợ sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã và thành phố. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển thương mại trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; chương trình thương hiệu quốc gia; chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; chương trình khuyến công quốc gia; chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP; chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Trần Đức Lương Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương, Phó trưởng BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Ngăn chặn tình trạng buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật. Thực hiện tốt công tác nắm bắt địa bàn, rà soát, điều chỉnh kịp thời sự tăng, giảm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đưa các cơ sở kinh doanh vào hệ thống theo dõi, quản lý của ngành. Theo dõi sát diễn biến của thị trường, công khai thông tin đường dây nóng phản ánh từ người dân, người tiêu dùng về các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan liên quan bằng các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt hoạt động kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện các hành vi vi phạm hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm; các hành vi không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, đặc biệt là việc nâng giá, ép giá và hoạt động kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trái pháp luật trong các lễ hội, tín ngưỡng. Tăng cường kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp; phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa, góp phần ổn định thị trường. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác vận động Nhân dân tham gia chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; cung cấp những thông tin chính xác về buôn bán vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam để cơ quan chức năng xử lý. Lê Thế Anh Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Cầu nối giữa hàng Việt và người tiêu dùng Việt
Là đơn vị đã coi hàng Việt là sự lựa chọn hàng đầu, hiện Siêu thị Co.opmart (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) đang bày bán hơn 20.000 mặt hàng, trong đó có tới hơn 90% là hàng Việt. Để thực hiện tốt CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vào khoảng cuối tháng 8 đến trung tuần tháng 9 mỗi năm, siêu thị sẽ tổ chức các hoạt động tôn vinh hàng Việt với nhiều khuyến mãi hấp dẫn. Ngoài nguồn hàng nhập trực tiếp tại trung tâm phân phối của hệ thống, hiện siêu thị đang nhập các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, thịt, cá, đường, bia, nước mắm của các nhà cung cấp lớn của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, từ khi có chương trình OCOP, các sản phẩm của tỉnh đã được nâng tầm, chất lượng đảm bảo nên khách hàng cũng thường xuyên tìm mua các sản phẩm này, vì vậy siêu thị cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại những vị trí khách hàng dễ tìm, dễ quan sát. Ngoài ra, tối thiểu mỗi năm 2 lần, siêu thị tổ chức các phiên chợ lưu động đưa các mặt hàng Việt bảo đảm về chất lượng, phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, thương hiệu nhưng giá cả vừa túi tiền người tiêu dùng về các huyện miền núi… Với những chính sách trên và nhờ tác động của chương trình “Tự hào hàng Việt”, Co.opmart đã tạo được những tác động đáng kể đến cả 2 chủ thể trong mối quan hệ tiêu dùng: doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng Việt, góp phần giúp các sản phẩm nội đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo chuyển biến tích cực trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trên thị trường nội địa, góp phần củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng Việt Nam. Nguyễn Văn Dũng Giám đốc Co.opmart Thanh Hóa Củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng Việt
Kể từ khi triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp cũng đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng. Hàng hóa chất lượng, đa dạng, mẫu mã đẹp, giá thành vừa với túi tiền người tiêu dùng, nhất là với người lao động. Đặc biệt, hàng hóa được đưa vào siêu thị, các hội chợ đã được tuyển chọn kỹ càng hơn, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thương hiệu bán lẻ, khiến người tiêu dùng khá an tâm khi chọn mua hàng hóa. Các mặt hàng thuộc diện bình ổn thị trường hoàn toàn là hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về hàng hóa Việt Nam, đó là tính ổn định, chất lượng, giá cả nhiều mặt hàng chưa phù hợp; hàng giả, hàng nhái mặc dù được tăng cường kiểm soát vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức hội chợ triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn và các hoạt động xúc tiến thương mại khác quy mô còn nhỏ lẻ, chưa thường xuyên. Một số doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc khách hàng, kỹ năng bán hàng; chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản xuất; còn tình trạng lợi dụng chương trình khuyến mãi để tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng kém chất lượng, nhưng các ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn xử lý. Hàng lậu có nguồn gốc từ nước ngoài vẫn tìm mọi cách để tràn vào thị trường Việt Nam… Người tiêu dùng mong muốn các cơ quan, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp việc kiểm soát luồng lưu thông hàng hóa, công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý, nhắc nhở những tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh không chấp hành đúng các quy định của pháp luật, để CVĐ nhiều ý nghĩa này tiếp tục tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, góp phần củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng Việt. Vũ Ngọc Thanh (Khu phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc) |
Võ Minh Khoa
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh,
Phó trưởng BCĐ CVĐ “Người Việt Nam
ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thanh Hóa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/suc-lan-toa-manh-me-cua-cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-218233.htm