Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin và dành sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân. Người từng viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Cùng với đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân cả nước, cộng đồng DN, doanh nhân xứ Thanh đã và đang dốc lòng trong cuộc kiến thiết nền kinh tế quốc dân, vì một tỉnh Thanh phát triển, vì tương lai đất nước thịnh vượng, mạnh giàu!
Kỹ sư, người lao động PTSC Thanh Hóa chế tạo chân đế trụ điện gió cho Dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) làm chủ đầu tư.
Sứ mệnh doanh nhân
Ngược về bối cảnh mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm ấy, sau khi giành độc lập, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn: Chính phủ cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ; ngân quỹ Trung ương chỉ vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương; nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các doanh nhân, nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” hơn 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày non trẻ. Tiêu biểu là doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng.
Nhận thấy vai trò của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước, hơn một tháng sau Ngày Quốc khánh 2-9-1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Trong thư, Bác đã khích lệ, đặt niềm tin và dành sự quan tâm đặc biệt: “Hiện nay, công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt… Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà DN thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân”.
Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong hành trình kiến thiết đất nước, 19 năm về trước, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Nhận thức rõ sứ mệnh của mình, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên vượt qua thách thức, xứng danh những “người lính thời bình”. Đến nay, rất nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong quản trị DN, sản xuất, kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, DN tư nhân lớn mạnh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin… Không chỉ làm giàu cho bản thân, các DN, doanh nhân đã làm thay đổi bộ mặt quê hương, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, tạo ra nhiều việc làm và thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội.
Tính đến nay, Việt Nam đang có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, 860.000 DN. Khu vực này cũng đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội. Theo thống kê của Forbes, nước ta hiện nay đã có 6 tỷ phú USD trong danh sách toàn cầu. Nhiều doanh nhân đã làm rạng rỡ trí tuệ, nghĩa khí, tài năng Việt Nam khi tên tuổi đã vượt ra thế giới, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới.
Tại Thanh Hóa, 21.000 DN và hàng chục nghìn hộ cá thể đang sản xuất, kinh doanh đã và đang khẳng định rõ rệt sứ mệnh quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã và xác định đây là động lực, là nguồn sức mạnh cho các mục tiêu hướng tới trong tương lai không xa trở thành một “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.
Bản lĩnh vì sự phát triển
Nhiều chuyên gia kinh tế từng khẳng định, bối cảnh hiện tại là giai đoạn khó khăn nhất đối với DN, doanh nhân trong 30 năm qua khi tổng cầu toàn thị trường suy giảm. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều DN tại Thanh Hóa bằng uy tín, bản lĩnh và chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã tiếp tục định vị vị thế mới trên thương trường ở những lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao, góp phần tạo dựng thương hiệu, sức mạnh của DN tỉnh nhà trên thương trường.
Chế tạo linh kiện thang máy tại Công ty TNHH Thang máy kỹ thuật điện AZ (TP Thanh Hóa).
Điển hình như tại Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa (Khu Kinh tế Nghi Sơn), trong giai đoạn thị trường khó khăn vừa qua, công ty vẫn duy trì phát triển ổn định các lĩnh vực sản xuất căn cứ cảng và logistics, dịch vụ tàu lai dắt, tàu dịch vụ với doanh thu, lợi nhuận ổn định, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách tỉnh mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập trung bình 17 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, DN đã đóng góp hơn 7,3 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội và đồng hành cùng địa phương trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Giám đốc PTSC Thanh Hóa Phạm Hùng Phương tự hào: “Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt mới của DN trong việc mở rộng và thành công ở các dự án trong lĩnh vực chế tạo cơ khí và bảo dưỡng. Từ tháng 7 vừa qua, chúng tôi đảm nhận thực hiện gói thầu chế tạo, hạ thủy, vận chuyển và bàn giao tại Vũng Tàu 30 chân đế trụ điện gió cho Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) làm chủ đầu tư và Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) là tổng thầu chính đang được triển khai xây dựng tại Đài Loan. Đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương hiện nay. Đội ngũ kỹ sư, thợ lành nghề của công ty đã hoàn thành vượt tiến độ nhiều hạng mục chế tạo 30 chân đế điện gió siêu cường, siêu trọng với tổng trọng lượng 9.000 tấn và chuẩn bị nghiệm thu những sản phẩm đầu tiên theo các tiêu chuẩn khắt khe của các chuyên gia quốc tế”.
Đặc biệt, trong “chiến dịch” bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PTSC Thanh Hóa là 1 trong 5 nhà thầu chính thực hiện công việc bảo dưỡng toàn bộ nhà máy, với tổng số lượng 413 gói công việc cho khu vực section 5, 6 là hai khu vực có diện tích lớn nhất của nhà máy. PTSC Thanh Hóa đã huy động 800 chuyên gia và thợ lành nghề với 300.000 giờ làm việc an toàn và đã hoàn thành xuất sắc các hạng mục công việc trước 3 ngày so với dự kiến.
Bên cạnh những DN tầm cỡ, có uy tín sản phẩm lâu năm, nhiều DN nhỏ và vừa, DN trẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã tranh thủ nắm bắt thời cơ và đang hoạch định những lộ trình phát triển phù hợp, vững chắc, từng bước khẳng định uy tín trên thương trường.
Là 1 DN còn non trẻ mới xuất hiện trên thị trường Thanh Hóa năm 2017, tuy nhiên Công ty TNHH Thang máy kỹ thuật điện AZ (TP Thanh Hóa) cũng đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín đối với sản phẩm, dịch vụ của DN để tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 12 – 13 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Thiết Thích, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Thời điểm những năm 2017-2018, thị trường Thanh Hóa chưa xuất hiện đơn vị cung ứng, thiết bị thang máy chuyên nghiệp cho khối nhà ở, công trình tư nhân. Phần lớn, chủ đầu tư đang lựa chọn các đơn vị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thi công. Tuy nhiên do khoảng cách địa lý nên chất lượng bảo dưỡng, xử lý sự cố khó bảo đảm về thời gian theo yêu cầu khách hàng. Là đơn vị “đứng chân” ngay tại tỉnh, DN đã củng cố sản phẩm, chất lượng dịch vụ để làm chủ các công trình thi công lắp đặt tại Thanh Hóa. Ngoài công trình nhà ở riêng lẻ, DN đã tiếp cận tới các công trình chung cư mini, trường mầm non, khách sạn, nhà hàng”.
Năm 2022, công ty đã đầu tư mặt bằng tại KCN Tây Bắc Ga và hệ thống trang thiết bị máy móc để tự sản xuất các linh kiện thang máy. “Việc tự sản xuất linh kiện giúp công ty kiểm soát được chất lượng, chủ động về thời gian cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Bối cảnh khó khăn của năm 2023 cũng chính là thời điểm công ty tập trung vào các giải pháp công nghệ sản xuất, thi công nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, tiến tới hoạt động hiệu quả hơn” – chủ tịch HĐQT Trần Thiết Thích cho biết thêm.
Không chỉ là động lực chính đóng góp vào GRDP, hiện nay, cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa đang giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. 9 tháng năm nay, trong bối cảnh khó khăn đặc biệt của nền kinh tế, cộng đồng DN vẫn đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh gần 8.400 tỷ đồng, tăng so với năm 2022 và chiếm hơn 50% tổng thu nội địa. Đó là chưa kể nguồn thuế từ lĩnh vực xuất nhập khẩu cao hơn nhiều so với con số này. Đặc biệt, con số tăng trưởng 15,5% đóng góp ngân sách của khối DN tư nhân là minh chứng rõ rệt nhất cho bản lĩnh kiên cường của những doanh nhân – “người lính thời bình” chèo lái con thuyền DN thành công trên mảnh đất xứ Thanh.
Bài và ảnh: Minh Hằng