Từ ngày Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) được UNESCO tôn vinh và chính thức ghi tên vào kho tàng di sản văn hóa thế giới (27/6/2011), điểm đến này ngày càng được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến. Cũng từ đó, cuộc sống của các khu dân cư miền đất Tây Đô ngày càng trở nên nhộn nhịp, vùng quê yên bình giờ đây như được tiếp thêm “sinh khí”.
Đoàn viên thanh niên các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khu di sản Thành Nhà Hồ.
Thành cổ – Đời sống mới
Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn) thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến. Một trong những nét đặc sắc góp phần khẳng định giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đó là gắn liền với đời sống của cộng đồng cư dân vùng đất Tây Đô. Cho đến nay, 2 xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long là những địa phương tiêu biểu của huyện Vĩnh Lộc trong xây dựng đời sống văn hóa.
Dưới cái nắng gay gắt của những ngày hè tháng 6, con đường quen thuộc dẫn đến cổng Nam Thành Nhà Hồ đưa chúng tôi đến thăm xã Vĩnh Tiến. Ở đây, các thôn Tây Giai và Xuân Giai của xã (nơi có các hộ dân thuộc khu vực 1 – khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của di sản Thành Nhà Hồ) vốn là những vùng quê lắng đọng nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc. Ấn tượng khi đến thăm các khu dân cư nơi đây chính là sự bình dị, không gian xanh mát, sạch đẹp. Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Tiến, hiện 6/6 thôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; hơn 70% người dân thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao. Cho đến nay, phần lớn người dân địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp, chỉ có một bộ phận tham gia làm dịch vụ du lịch. Thế nhưng, mọi người đều rất ý thức trong việc chung tay bảo vệ di sản, công tác dọn vệ sinh môi trường khu vực nội thành và khu dân cư vùng phụ cận được thực hiện thường xuyên.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến Vũ Văn Tuấn cho biết: “Thời gian gần đây, di sản Thành Nhà Hồ ngày càng thu hút du khách, chính vì vậy việc chung tay bảo vệ di sản cũng như cảnh quan môi trường khu vực phụ cận được người dân đặc biệt chú trọng. Hiện có một số gia đình tham gia kinh doanh sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc sản địa phương trong khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm du lịch. Mỗi một sản phẩm được giới thiệu đến du khách chính là niềm tự hào về quê hương, về di sản. Cũng thông qua hoạt động du lịch đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân địa phương. Đặc biệt là việc thực hiện ứng xử văn minh du lịch đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư”.
Còn đó những trăn trở…
Thời gian qua, cùng với công tác quản lý, nghiên cứu, khai quật và bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, công tác phát huy giá trị khu di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế đã được tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng chú trọng, thực hiện hiệu quả. Mỗi năm di sản đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nơi đây đã đón và phục vụ trên 132 nghìn lượt khách, đạt 82,7% kế hoạch năm. Đáng chú ý, thị trường khách du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, không chỉ thu hút khách nội tỉnh hay giới nghiên cứu, mà hiện nay Thành Nhà Hồ đã trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Có thể nói, việc phát triển du lịch trong những năm gần đây đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thế nhưng, những khó khăn trong cuộc sống của người dân vùng lõi lại ngày càng bộc lộ rõ. Với hơn 300 hộ dân của các thôn Đông Môn (xã Vĩnh Long), Tây Giai và Xuân Giai (Vĩnh Tiến) sống trong vùng lõi (khu vực 1), các thế hệ nối tiếp nhau xây dựng cuộc sống, song, các quy định liên quan đến xây dựng, sửa chữa nhà ở khiến người dân rơi vào “thế khó”. Trưởng thôn Tây Giai Trương Trọng Huy bộc bạch: Trong những năm gần đây lượng khách đến với Thành Nhà Hồ ngày càng đông, người dân địa phương rất phấn khởi. Cũng từ đó mà người dân rất ý thức trong việc bảo vệ di sản, tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường. Thế nhưng, thôn Tây Giai hiện có 131 hộ dân sống trong khu vực 1, với các quy định bảo vệ nghiêm ngặt nên việc xây dựng mới nhà ở không được phép, còn việc sửa chữa, tu bổ phải xin ý kiến của chính quyền địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ. Đến nay, nhiều nhà ở đã xuống cấp, sập xệ khiến người dân rơi vào tình trạng “đi thì dở, ở không xong”…
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Văn Long cho biết thêm: “Người dân các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, đặc biệt là hơn 300 hộ dân sống trong khu vực 1 hiểu rằng di sản mà cha ông để lại chính là tài nguyên của họ. Chính vì vậy, mặc dù các quy định về quản lý, sử dụng, sửa chữa nhà ở khu vực 1 rất nghiêm ngặt, song thời gian qua người dân chấp hành tốt, cùng chung tay để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, chính vì vậy để vừa đảm bảo công tác quản lý di sản, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân thực sự là áp lực vô cùng lớn đối với cả cơ quan quản lý và hơn 300 hộ dân ở đây”.
Thành cổ là di tích “sống”, việc thực hiện các cam kết với UNESCO trong công tác bảo tồn giá trị của tòa thành chắc chắn cần được thực hiện tốt. Thế nhưng, cuộc sống của người dân nơi đây chính là sự tiếp nối, phát triển không ngừng, không phải là bằng sự đánh đổi hay trả giá bất kỳ… Chính vì vậy, cùng với làm tốt các quy định về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cần có giải pháp, định hướng phù hợp để hệ cảnh quan, kiến trúc và đời sống của cộng đồng ngày càng trở nên tươi đẹp, và để di sản Thành Nhà Hồ thực sự là điểm đến du lịch văn hóa mang tầm quốc tế.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/song-trong-long-di-san-noi-mien-dat-tay-do-218152.htm