Thời gian qua, nhiều lồng, bè nuôi cá trên sông Mã (khu vực huyện Bá Thước) đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tổng số lồng bè nuôi cá bị ảnh hưởng là 168 lồng, khối lượng thiệt hại ước tính hơn 11,35 tấn của 122 hộ dân ở các xã: Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung, Lương Ngoại và thị trấn Cành Nàng.
Khu vực nuôi cá lồng trên sông Mã của người dân huyện Bá Thước.
Thông tin từ UBND huyện Bá Thước cho biết, từ ngày 20/3/2024 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng cá nuôi lồng, bè trên sông Mã chết không rõ nguyên nhân, chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 20/3/2024 đến ngày 22/3/2024 hiện tượng cá chết xảy ra ở khu vực lòng hồ thuộc thị trấn Cành Nàng, thiệt hại khoảng 71 kg. Đợt 2 từ ngày 6/4/2024, xảy ra tại các vụng nước ít lưu chuyển thuộc các xã Ái Thượng và Điền Lư, thiệt hại khoảng 400 kg. Và đợt 3 từ ngày 27/4/2024 đến nay, là đợt cá chết nhiều nhất xảy ra tại 7 xã thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Bá Thước 1 và Thủy điện Bá Thước 2 với tổng thiệt hại trên 10,9 tấn.
Tổng khối lượng cá chết khoảng hơn 11,35 tấn.
Theo thống kê, đến ngày 3/5, thị trấn Cành Nàng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, với 61 lồng bè nuôi cá của 43 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng khối lượng cá chết hơn 5,9 tấn cá trôi, trắm và các loại cá da trơn khác.
Ngoài các loại cá trắm, trôi, cá da trơn thì cá tự nhiên cũng có hiện tượng chết hàng loạt.
Được biết, ngay khi tình trạng cá chết xảy ra, UBND các xã, thị trấn đã báo cáo UBND huyện Bá Thước phối hợp tìm nguyên nhân. Theo đó, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn của tỉnh tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xác định nguyên nhân tại hiện trường. Tuy nhiên, tình trạng cá chết vẫn tiếp tục xảy ra và tăng về khối lượng. Đặc biệt, từ ngày 27/4 đến nay, ngoài cá nuôi lồng còn có hiện tượng cá tự nhiên ngoi lên mặt nước, dạt vào bờ, chết.
Do đó, UBND huyện Bá Thước đã báo cáo đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy 3 mẫu cá để xét nghiệm bệnh và 6 mẫu nước để xét nghiệm một số chỉ tiêu môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Sớm tìm ra nguyên nhân, hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra hiện trường, xác định nguyên nhân gây cá chết.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra và tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo UBND huyện Bá Thước hướng dẫn hỗ trợ người dân di chuyển lồng nuôi sang nơi có dòng chảy, các khu vực nước sạch khác trên sông hoặc di chuyển cá khỏi lồng bè vào các ao để khoanh nuôi; tăng cường oxy bằng các biện pháp đảo nước, bơm nước hoặc sục khí tạo oxy.
Cùng với đó, khuyến cáo cho người dân không thả nuôi mới cá cho đến khi có hướng dẫn cụ thể; tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo đúng quy định, xử lý môi trường nơi tiêu hủy bằng hóa chất, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không ăn, không kinh doanh, buôn bán cá chết. Người dân ven sông tạm thời không nên sử dụng nước từ sông để phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sử dụng cho gia súc, gia cầm uống. Triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại đối với các vùng hạ lưu như di chuyển lồng bè, thu hoạch cá nuôi đủ kích cỡ, chuyển cá vào ao nếu có thể.
Được biết, hiện nay, UBND huyện Bá Thước đang chỉ đạo các phòng chuyên môn và địa phương tiến hành thống kê thiệt hại để hỗ trợ cho người dân nuôi cá lồng tại các địa phương bị ảnh hưởng.
Lê Hòa