Không có mỏ còn thời hạn cấp phép khai thác, người dân và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Mường Lát đang phải mua cát với giá cao từ các huyện Quan Hóa, Bá Thước, hoặc từ tỉnh Hòa Bình.
Việc thi công công trình Trường Mầm non Pù Nhi (Mường Lát) đang gặp khó khăn do giá cát xây dựng tăng cao.
Bản Cá Nọi, xã Pù Nhi đang phấn đấu hoàn thành XDNTM trong năm nay. Trong đó, việc hoàn thành xây dựng công trình đường giao thông nội bản đang là nhiệm vụ lớn hơn cả. Tuy nhiên, theo bí thư chi bộ, trưởng bản Cá Nọi Hơ Văn Thành, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bởi dù được hỗ trợ xi măng, ban quản lý bản vẫn phải vận động người dân đóng góp tiền để mua cát, đá và ngày công xây dựng. Hiện tại, giá cát xây dựng đang ở mức cao, dao động từ 500 – 600.000 đồng/m3, số tiền người dân phải đóng góp sẽ lớn, nên rất khó kêu gọi đóng góp.
Cũng theo ông Thành, từ năm 2021 trở lại đây người dân trong bản xây dựng nhà cửa cũng phải mua giá cát rất cao. Có thời điểm, giá cát xây, trát lên hơn 700.000 đồng/m3. Trong khi đó, đời sống Nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo.
Cách đó chừng 10km, nhà thầu thi công cũng đang gặp khó khăn khi thi công công trình Trường Mầm non Pù Nhi. Lý do chủ yếu là giá cát xây dựng cao khiến chi phí xây dựng tăng so với dự toán. Theo Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Mường Lát Lương Văn Liêm, lâu nay các công trình xây dựng trên địa bàn có sử dụng cát đều phải đưa lên từ các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình với quảng đường xa, nên giá rất cao. Trung bình giá cát xây dựng các loại dao động từ 300.000 đồng đến gần 800.000 đồng/m3. Không những phải chịu giá cao, có lúc, có nơi doanh nghiệp xây dựng không mua được cát để phục vụ thi công công trình.
Trong khi đó, giá cát xây dựng tại các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy nằm ở mức từ 250.000 – 300.000 đồng/m3. Lý do giá cát tại huyện Mường Lát cao là do doanh nghiệp cung ứng phải chi thêm cước vận chuyển cho quảng đường xa, lắm đèo, nhiều dốc.
Cũng vì quãng đường xa mà giá cát xây dựng cung ứng đến chân công trình trên địa bàn huyện cũng có sự chênh lệch. Ông Lương Văn Liêm cho biết thêm, giá cát xây trát đến chân công trình ở khu vực bản Nàng 1, xã Mường Lý thời điểm hiện tại là 580,9 nghìn đồng/m3; giá cát bê tông là 393,9 nghìn/m3. Trong khi đó, giá cát xây trát đến chân công trình ở bản Lách, xã Mường Chanh lên tới 794,9 nghìn đồng/m3, giá cát bê tông là 584,4 nghìn/m3…
Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát Hà Văn Tế, trên địa bàn huyện đã được tỉnh quy hoạch 6 điểm mỏ khai thác cát, gồm 3 điểm trên sông Mã và 3 điểm trên suối Xim. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây huyện Mường Lát không có mỏ cát nào còn hạn cấp phép khai thác. Trong khi trên địa bàn không có doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo, nên nguồn cát xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Tế, qua kiến nghị của huyện, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cấp phép khai thác mỏ cát trên địa bàn. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác mỏ cát cần nhiều thời gian và quy trình thủ tục, lại liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
Sau nhiều cố gắng, tháng 9/2023 việc đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Mã thuộc địa bàn xã Trung Lý và Mường Lý (có diện tích 4,36 ha) hoàn thành, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận quyền trúng đấu giá cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời hạn quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá đã không nộp hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản khu vực mỏ, ngày 12/3/2024 UBND tỉnh đã hủy quyết định công nhận trúng đấu giá đối với doanh nghiệp này. Việc đấu giá điểm mỏ này sẽ được tổ chức lại trong thời gian tới.
Việc mua cát giá cao chẳng những khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng công trình, còn tiềm ẩn nguy cơ cao về khai thác cát trái phép. Trên thực tế, dọc các sông, suối trên địa bàn huyện vẫn xảy ra nhỏ lẻ tình trạng người dân tự ý khai thác cát để phục vụ nhu cầu của gia đình…
Bài và ảnh: Đồng Thành