Đến tháng 10/2023, tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP, với 436 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, chỉ sau “đất trăm nghề” Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Nhìn vào con số này, điều dễ nhận thấy là dù số lượng nhiều, nhưng chúng ta lại chưa có nhiều sản phẩm được gắn nhiều sao. Vấn đề nữa là, sau khi được công nhận rất cần các chủ thể phải xem đây là động lực để giữ ổn định chất lượng, từng bước nâng tầm sản phẩm, tăng lượng khách hàng, chứ không nên xem OCOP là cái danh, thậm chí để sản phẩm biến mất khỏi thị trường.
Đề cập điều này là không thừa, vì qua thông tin báo chí và các kênh giao tiếp cho thấy thời gian qua có không ít sản phẩm OCOP ở một số địa phương đã bộc lộ những yếu điểm, dù sản phẩm đạt nhiều sao, nhưng lại nhanh chóng bị người tiêu dùng lãng quên, thậm chí có sản phẩm biến mất khỏi thị trường hoặc bị đánh tụt hạng.
Xảy ra tình trạng này là do một số địa phương và chủ thể xây dựng sản phẩm theo kiểu phong trào, thậm chí có sản phẩm xây dựng theo ý chí của lãnh đạo địa phương.
Mục tiêu của Chương trình OCOP là góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, phải xác định đây là một quá trình nghiêm túc, nhất quán, không chạy theo phong trào, mà hướng đến lợi ích thực chất của chủ thể và người tiêu dùng.
Và nữa, phải nhìn nhận chứng nhận OCOP không phải là một bảo chứng, “lá bùa” đảm bảo sự tồn tại lâu dài cho bất kỳ sản phẩm nào. Có chăng nó chỉ làm tăng thêm niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường. Còn để sản phẩm có chỗ đứng lâu dài trên thị trường thì giá trị cốt lõi vẫn phải là chất lượng.
Với việc Thanh Hóa vươn lên đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, cho thấy nỗ lực rất lớn của các chủ thể, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn cần phải thực hiện đó là các chủ thể phải thật sự giữ vững được chất lượng, tăng lượng khách hàng và nhanh chóng có biện pháp kỹ thuật cũng như pháp lý để thuyết phục cơ quan chức năng thăng hạng sao cho sản phẩm, giúp sản phẩm gia tăng niềm tin vươn tầm quốc tế.
Mà muốn vậy, đòi hỏi các sở, ngành chức năng, các địa phương có sản phẩm phải nhìn ra vấn đề thật sự từ những các sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương trong nước, từ đó rút kinh nghiệm, có biện pháp giám sát, cũng như vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các chủ thể cải tiến kỹ thuật, đổi mới nhãn mác, bao bì của các sản phẩm. Cùng với đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm tạo thêm cơ hội cho các sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thái Minh