Được xem là vụ sản xuất chính trong năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang tích cực gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ đông. Bên cạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, người dân đã chú ý trồng rải vụ đối với cây rau màu, giảm áp lực lên chính vụ, tránh tình trạng cung vượt cầu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân thị trấn Thiệu Hóa áp dụng sản xuất rải vụ đối với cây cà chua.
Theo thống kê, vụ đông hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh gieo trồng hơn 22.500 ha rau màu với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như bắp cải, su hào, cà chua, rau gia vị, rau cải… Tuy nhiên, với diện tích sản xuất lớn, thì đầu ra cho sản phẩm luôn là bài toán khó đối với người trồng, nhất là rau lại là mặt hàng khó bảo quản, thời gian bảo quản ngắn, vì rau nhanh mất nước, dễ giảm chất lượng, thối hỏng. Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, hầu hết các địa phương có truyền thống sản xuất rau màu đã khuyến khích, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rải vụ, nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, hạn chế rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm
Những ngày này, tại vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), người dân đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông với đa dạng các loại rau như rau cải, rau gia vị, xà lách, cà chua… Bên cạnh việc tiêu thụ tại chợ đầu mối, các loại rau an toàn còn được người dân đưa đi tiêu thụ tại một số tỉnh lân cận. Để hạn chế rủi ro do giá các loại rau không ổn định, nhiều năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng đã hướng dẫn cho người dân thực hiện trồng rau rải vụ để giảm áp lực trong tiêu thụ sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng. Anh Trịnh Văn Phương, tiểu khu 6, cho biết: “Trước đây, trên diện tích sản xuất của gia đình, tôi thường thực hiện xuống giống đồng loạt rau xà lách. Tuy nhiên, do giá rau lên xuống thất thường, nhất là thời điểm sau mưa hoặc gần Tết Nguyên đán nên tôi đã thực hiện chia nhỏ diện tích sản xuất, xuống giống từng đợt, mỗi đợt cách nhau từ 15 – 20 ngày. Bên cạnh đó, tôi cũng đa dạng thêm các loại cây trồng mới như rau gia vị, bắp cải… Từ đó, tránh được tình trạng dư thừa sản phẩm, chủ động sản xuất theo nhu cầu của thị trường sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng: Sản xuất rải vụ có thể hạn chế được rủi ro trong sản xuất, tuy nhiên, người dân cần chú ý công tác phòng trừ các đối tượng sinh vật hại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, người dân không nên gieo trồng cùng 1 giống trên 1 diện tích, thực hiện vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch, sử dụng giống chất lượng cao để gieo trồng.
Tại xã Xuân Lai, một trong những địa phương có diện tích sản xuất vụ đông lớn của huyện Thọ Xuân, nhiều năm nay, người dân đã áp dụng sản xuất rải vụ để nâng cao hiệu quả gieo trồng các loại rau an toàn. Ông Trịnh Bá Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, cho biết: Thực hiện rải vụ đối với các loại nông sản chính là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giá bán ổn định quanh năm. Tuy nhiên, việc sản xuất rải vụ cũng gặp những khó khăn do người sản xuất chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật cho từng cây trồng, phù hợp cho từng vùng. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp kỹ thuật cơ bản của sản xuất rải vụ là sử dụng chất kích thích, nếu lạm dụng sẽ làm cây mất cân bằng về sinh lý, dinh dưỡng, suy kiệt, giảm sức chống chịu, tăng nguy cơ sâu, bệnh gây hại… Do đó, trước mỗi vụ sản xuất, xã đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là đối với các loại rau, củ thực hiện sản xuất rải vụ. Khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu, bệnh cao và phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Đồng thời, áp dụng các biện pháp che ni lông giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp của nước mưa, sương muối…
Từ thực tế tại các địa phương có diện tích sản xuất vụ đông lớn, người dân đã dần quen với phương pháp sản xuất rải vụ, chủ động điều chỉnh thời gian cây trồng cho thu hoạch sớm hoặc muộn so với thời điểm chính, tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn, với sản lượng lớn. Bên cạnh đó, thông qua quá trình thực hiện, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, để giải pháp này mang lại hiệu quả, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn về các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, như: điều chỉnh mật độ gieo trồng hợp lý, bón phân cân đối, đúng giai đoạn sinh trưởng cây trồng… Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; quan tâm sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học… Các HTX cần thực hiện giám sát, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân khi sản xuất rải vụ để tránh rủi ro.
Bài và ảnh: Lê Ngọc