Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được các doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện, sản xuất NNHC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề. Từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân (Yên Định) là một trong những trang trại đầu tiên của tỉnh được chứng nhận sản phẩm bưởi Diễn sản xuất hữu cơ.
Năm 2021, được sự tài trợ của Tổ chức Bánh mỳ thế giới, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh và UBND huyện Thạch Thành, mô hình NNHC theo tổ nhóm ở thôn Cẩm Bộ, xã Thành Minh (Thạch Thành) đã được triển khai thực hiện, nhằm cải thiện khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu cho người dân. Theo đó, từ năm 2022, nhóm 14 hộ tại thôn Cẩm Bộ đã liên kết, hỗ trợ và xây dựng được hơn 15.500m2 sản xuất các sản phẩm chứng nhận hữu cơ, như: hành, tỏi, dưa lê và lúa. Đến nay, sau gần 3 năm phát triển, sản phẩm địa phương đã được tin dùng, tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, TP Thanh Hóa thông qua các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Chị Trương Thị Hiên Hiên, nhóm trưởng nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, cho biết: Thông qua các buổi tập huấn, tôi và nhiều hộ dân trong thôn được cán bộ kỹ thuật tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ vào quá trình sản xuất đối với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, người dân trong thôn đang dần bỏ thói quen không tốt này, thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học vào chăm sóc và bảo vệ diện tích hành, tỏi, dưa lê và lúa.
Quá trình áp dụng quy trình sản xuất NNHC, chị Hiên nhận thấy có nhiều ưu điểm so với phương pháp sản xuất truyền thống, như: năng suất sản phẩm được nâng lên khoảng 20%, chi phí giảm từ 15 đến 20% so với diện tích trồng theo phương thức truyền thống, từ đó lợi nhuận tăng từ 25 đến 30%. Về chất lượng, theo đánh giá của các hộ trồng và người tiêu dùng, việc sản xuất theo hướng an toàn giúp cho củ hành, tỏi chắc, thơm ngon, giòn hơn.
Trước xu hướng phát triển và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng, giàn trồng và hệ thống tưới tiêu tự động. Trên diện tích 3,5ha, HTX áp dụng phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn “5 không” (không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích). Bên cạnh đó, HTX cũng hướng dẫn nông dân tự ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất, giúp giảm lượng chất thải nông nghiệp và tiết kiệm chi phí vật tư. Nhờ phương pháp này, sản lượng rau và ớt đạt 4 tấn/ha, đem lại doanh thu 65 triệu đồng/lứa.
Ngoài các mô hình nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình sản xuất NNHC cho hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình rau ăn quả và nhóm họ dưa của Công ty TNHH MTV DVTM nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (TP Thanh Hóa); trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân (Yên Định) với 70.000m2 bưởi Diễn được chứng nhận (TQC) sản phẩm hữu cơ; nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, nhóm sản suất hữu cơ Đầm Hương, nhóm nếp hạt cau Sồi Cốc, xã Thành Minh (Thạch Thành) với các sản phẩm chứng nhận hữu cơ: hành, tỏi, nếp hạt cau, dưa lê…
Bên cạnh các sản phẩm NNHC đã được chứng nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.100ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn hữu cơ; trong đó: lúa 4.264ha; chè 24ha; rau, đậu các loại 47,6ha; cây ăn quả trên 480ha; cây dược liệu 281,5ha; cây khác 1,9ha. Ngoài ra, diện tích đất trồng trọt đã được cấp mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu 164 mã số với tổng diện tích là 1.511,5ha (nội địa 87 mã số với tổng diện tích 819,3ha; 77 mã số xuất khẩu với 692,2ha). Đây là tiền đề để phát triển sản xuất NNHC, công nhận sản phẩm NNHC trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo (đã có 173,26/2.487ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ)… Từ những kết quả đạt được, bước đầu đánh giá cho thấy sản xuất NNHC đã nâng cao hiệu quả của sản xuất trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với phi hữu cơ.
Để từng bước phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển NNHC tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030 tại Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 7/1/2022 để thực hiện, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã tham mưu, hướng dẫn, lồng ghép các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện của kế hoạch, đề án về nông nghiệp công nghệ cao, NNHC vào các chương trình, kế hoạch của ngành, triển khai cụ thể đến từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các địa phương, HTX và doanh nghiệp tiếp cận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo mục tiêu đề ra, toàn tỉnh phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 0,8 – 1% (năm 2025), khoảng 3% (năm 2030) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như, lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả…; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 – 1,5% (năm 2025), 2 – 3% (năm 2030) tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1 – 1,2% (năm 2025); 1,5 – 3% (năm 2030) tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; đối với sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên…
Để đạt mục tiêu trên, theo ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần thực hiện tốt công tác truyền thông thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về NNHC, từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất truyền thống, tiến đến nền NNHC an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cần lựa chọn, xác định các vùng sản xuất NNHC tập trung đặc trưng, phù hợp với điều kiện sinh thái, tiềm năng phát triển và thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC của từng vùng để khuyến khích các doanh nghiệp, các HTX và người dân có nhu cầu sản xuất sản phẩm NNHC đầu tư vào sản xuất. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo và đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, đặc biệt là những loại giống có khả năng kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/san-xuat-nong-nghiep-huu-co-huong-di-ben-vung-cho-nong-dan-240749.htm