Năm 2023, vượt qua vô vàn thách thức, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực với chỉ số tăng trưởng toàn ngành 4,87%, tiếp tục là động lực chính trong thành quả tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 7,01%. Thành quả này đã khẳng định những nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất bao bì tại Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương (Khu Kinh tế Nghi Sơn).
Tiếp nối đà suy giảm tổng cầu từ cuối năm 2022, trong năm 2023 các ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh vẫn khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, với những nỗ lực đa dạng thị trường và phân khúc đơn hàng, sản lượng sản xuất và tiêu thụ những tháng cuối năm đã có tín hiệu khởi sắc hơn. Một số ngành hàng, sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã có tăng trưởng nhẹ hoặc chỉ giảm tỷ lệ sản lượng không đáng kể so với cùng kỳ như: xi măng và gạch xây giảm 2,3%; thép tăng 1%; dầu ăn tăng 6%… Cùng với tăng trưởng mạnh của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng chi phối như: điện sản xuất, clinker, dầu mỡ bôi trơn, thuốc lá bao, giấy bìa các loại… và hoạt động sản xuất tăng công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau bảo dưỡng, đã góp phần bù đắp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng 10,73% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, năm 2023 là một năm tiếp tục chuỗi khó khăn của ngành may mặc, giày da. Tuy nhiên, nhiều DN trong ngành đã có nhiều giải pháp đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, liên doanh liên kết để thích ứng trước những biến động nhanh và khó lường của thương mại toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Trịnh Xuân Lâm chia sẻ: “Thời gian qua hiệp hội cũng đã liên tục tổ chức các buổi tọa đàm để nắm bắt tình hình, đồng thời kiến nghị các cơ quan Nhà nước cùng vào cuộc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho DN tồn tại để phát triển sau này. Bởi hiện tại ngành may mặc, giày da Thanh Hóa đang tạo việc làm cho hơn 200.000 lao động. Trong đó, khi tham gia các hội nghị với ngành ngân hàng chúng tôi đã kiến nghị nhiều giải pháp về nới rộng tài chính, hỗ trợ giải ngân cho DN để ổn định dòng tiền, có điều kiện tiếp tục sản xuất, trả lương cho lao động và đóng góp ngân sách”.
Kết thúc năm 2023, ngành may mặc đạt 508 triệu sản phẩm, tăng 3,4% so với cùng kỳ; trong đó có một số sản phẩm tăng cao như áo khoác tăng 24,5%; áo jacket tăng 31,9%; các sản phẩm giày da cũng tăng trưởng từ 5 – 31%. Đặc biệt, bắt đầu từ quý IV năm 2023, đơn hàng cho ngành may mặc và giày da đã quay trở lại nhiều hơn, là tín hiệu tốt cho thấy thị trường đã có dấu hiệu hồi phục và dự ước tăng trưởng 15 – 20% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh hoạt động đầu tư và thị trường gặp nhiều khó khăn, trong năm 2023 cũng đã có thêm các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Đại Dương 1 (Khu Kinh tế Nghi Sơn), Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), Nhà máy may mặc Leading Star Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Bỉm Sơn), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của Tập đoàn HuaLi (huyện Yên Định)… đóng góp lớn cho giá trị sản xuất tăng thêm của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Theo số liệu từ ngành công thương, trong số 25 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, có 15 sản phẩm tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong năm cũng đã có thêm 48 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 13.300 tỷ đồng và 228,4 triệu USD, kỳ vọng sẽ có những sản phẩm công nghiệp mới gia nhập thị trường trong thời gian tới.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp từ 14,8% trở lên. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là mục tiêu và kỳ vọng khá cao trong bối cảnh thị trường được dự báo vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn có khả năng thực hiện bởi dư địa tăng trưởng của ngành công nghiệp trong năm 2023 còn khá lớn. Trong đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đang vận hành với công suất 117% sau khi hoàn thành bảo dưỡng lần đầu, hầu hết cơ sở sản xuất lớn như xi măng, thép… vẫn đang hoạt động thấp hơn công suất thiết kế. Ngoài ra, một số dự án công nghiệp đang trong lộ trình hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2024 như: Nhà máy xi măng Đại Dương 2, dây chuyền sản xuất thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy khung tranh Intco Việt Nam, Nhà máy sản xuất lốp COFO và các dự án may mặc được dự kiến đóng góp 2,2% điểm tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, để phấn đấu cao nhất thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, đơn vị sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất; tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Cùng với đó, sở sẽ chú trọng các giải pháp, triển khai các chính sách khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư, thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới có thị trường tiêu thụ tốt, bền vững; tiếp tục hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tham gia các chuỗi giá trị để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa cho DN; tập huấn, dự báo và nâng cao năng lực của DN trên thị trường xuất khẩu, tăng thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản phẩm công nghiệp.
Bài và ảnh: Minh Hằng