Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định Chương trình phát triển thủy sản là một trong ba chương trình trọng tâm.
Đội tàu khai thác hải sản của TP Sầm Sơn.
Nhiều kết quả quan trọng
Nhằm cụ thể hóa chương trình trọng tâm đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Quyết định số 176-QĐ/TU, ngày 30-6-2021 về Chương trình phát triển thủy sản TP Sầm Sơn giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình). Chương trình đặt ra mục tiêu chung là khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, có tốc độ tăng trưởng ổn định, cơ cấu và hình thức sản xuất hợp lý; có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái gắn với du lịch; từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân; đồng thời góp phần bảo vệ quốc phòng – an ninh trên các vùng biển.
Trên cơ sở đó, thành phố đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 24.000 tấn (khai thác 23.900 tấn, nuôi trồng 100 tấn trở lên). Tổng số tàu cá có động cơ khai thác biển là 1.062 chiếc (trong đó, tàu có chiều dài từ 12 m trở lên là 367 chiếc (tăng 18% so với năm 2020); tàu có chiều dài dưới 12 m là 695 (giảm 50% so với năm 2020). 100% tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ khai thác tham gia tổ, đội đoàn kết, mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm. Khu neo đậu tránh trú bão có khả năng đáp ứng cho trên 600 tàu. Công suất bến cá, cảng cá đạt 18.000 tấn hàng thủy sản/năm. Xây dựng, phát triển ít nhất 1 mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung đạt chứng nhận VietGap (GlobalGAP, ASC.BAP) hoặc công nghệ cao.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 176-QĐ/TU, công tác phát triển ngành thủy sản gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản luôn duy trì ổn định, trung bình giai đoạn 2021-2023 đạt 25.841 tấn/năm (dự kiến đến năm 2025 sản lượng đạt từ 24.000 tấn, đạt mục tiêu Chương trình đề ra). Về phương tiện khai thác, tính đến tháng 6-2023, thành phố có tổng số 1.644 tàu khai thác thủy sản; trong đó: Lmax 15 m là 172 tàu (giảm 109 tàu). Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được 24 tổ đoàn kết trên biển, bảo đảm 100% tàu cá xa bờ tham gia tổ đoàn kết. Ngoài ra, các đơn vị đang xây dựng mô hình nuôi cua lột trong lồng tại phường Quảng Cư theo quy trình công nghệ cao.
Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nâng cấp Cảng cá Lạch Hới, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền (theo Quyết định số 592/QĐ-TTg, ngày 30-5-2023 về chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nguồn vốn vay của WB). Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 262 tỷ đồng; sẽ nâng cấp cảng Lạch Hới trở thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt/ngày; quy mô neo đậu 1.000 tàu; công suất bến cá, cảng cá đạt 25.000 tấn/năm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 10 bến bãi neo đậu tàu thuyền, bốc dỡ hàng hóa tại các phường Trung Sơn, Quảng Cư, Quảng Hùng, Quảng Châu, Quảng Đại, Trường Sơn, Quảng Vinh. Đồng thời, thành phố đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phường Quảng Châu, phường Quảng Thọ nhằm kết nối, triển khai phát triển tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” và các tuyến du lịch khác trên biển; nghiên cứu xây dựng các hoạt động thủy sản gắn với du lịch như trải nghiệm cùng ngư dân, tham quan mô hình sản xuất thủy sản…
Cùng với tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được TP Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Cụ thể, thành phố đã triển khai thực hiện tốt tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản; tình trạng vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản giảm so với những năm trước đây. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng biên phòng phối hợp với các đơn vị liên quan đã xử lý 42 vụ/42 phương tiện vi phạm quy định về khai thác thủy sản, với số tiền xử phạt trên 200 triệu đồng.
Công tác nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phòng, chống dịch bệnh thủy sản cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt trên toàn địa bàn hiện là 75,3 ha; trong đó diện tích NTTS tập trung ở khu vực ngoại đê và diện tích nuôi nội đê phân tán, trong ao nuôi hộ gia đình. Điển hình là các mô hình nuôi ốc nhồi, cá chép V1, tôm càng xanh tại xã Quảng Minh; mô hình nuôi cá – lúa tại xã Quảng Minh, Quảng Hùng (Quảng Hùng 20 ha, Quảng Minh 12 ha)… Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, hạn chế rủi ro; hướng dẫn người nuôi phát hiện sớm, chủ động có biện pháp xử lý nhằm khống chế kịp thời dịch bệnh phát sinh. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn chưa xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại trên diện tích NTTS.
Song song với khai thác và nuôi trồng, việc phát triển chế biến và các hoạt động thương mại gắn với các sản phẩm từ thủy sản cũng được TP Sầm Sơn chú trọng. Hiện trên địa bàn thành phố có 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản thủy sản. Có 1 doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản bước đầu đang thực hiện việc chế biến các loại thủy sản xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản như tôm, mực… Cùng với đó là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất truyền thống tại hộ gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm như nước mắm, các sản phẩm dạng mắm và hải sản khô. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Châu – Quảng Thọ đang được triển khai thực hiện, nhằm thu hút các cơ sở chế biến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện TP Sầm Sơn đã xây dựng 2 sản phẩm OCOP hải sản và được công nhận 3 sao là nước mắm cá trích Bông Sen và chả mực Phước Thịnh. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho 5 sản phẩm từ thủy sản, gồm nước mắm cá nục, mắm chua, moi khô, sứa và tôm nõn tươi. Các sản phẩm OCOP này đã được đưa lên các Website bán hàng riêng và kết nối với các trang thương mại điện tử toàn quốc để quảng bá và đẩy mạnh việc tiêu thụ. Ngoài ra, thành phố còn tích cực đưa các sản phẩm OCOP, các sản phẩm truyền thống tham gia các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các hội chợ, triển lãm… nhằm giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh phía Bắc và miền Trung trong việc xây dựng các sản phẩm từ thủy sản gắn với phát triển du lịch.
Còn những vấn đề đặt ra
TP Sầm Sơn bước vào thực hiện các mục tiêu trên trong bối cảnh nhiều thách thức. Trong đó, ngư trường khai thác thủy sản dần bị hạn hẹp do Hiệp định nghề cá Việt Nam – Trung Quốc đã hết hiệu lực. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao trong khi giá sản phẩm khai thác không tăng dẫn đến hiệu quả khai thác thấp. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, sản phẩm thu hoạch có giá trị kinh tế không cao. Tình trạng sử dụng ngư cụ kết hợp xung kích điện trái quy định, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng quy định trong giấy phép khai thác còn diễn ra ở nhiều nơi trên vùng biển.
Các tàu cá trên 15 m hoạt động không hiệu quả, phải dừng hoạt động hoặc bán tàu trả nợ, dẫn đến số lượng tàu cá từ 15 m trở lên giảm mạnh. Trong khi đó, các phương tiện khai thác dưới 12 m vẫn là phương tiện sinh kế chính của nhiều hộ ngư dân, vẫn chưa có điều kiện để chuyển đổi nghề. Ngoài ra, lao động tham gia khai thác thủy sản thường không ổn định, thiếu lao động đi khai thác xa bờ. Mặc dù đã có chủ trương nâng cấp, song dự án vẫn phải chờ. Còn thực tế hiện nay, Cảng cá Lạch Hới vẫn đang trong tình trạng xuống cấp, chưa phát huy được năng lực bốc xếp, dịch vụ hậu cần và hiệu quả của cảng. Hàng năm, việc bồi lắng cát tại cuối hạ lưu sông Mã, âu thuyền và cửa biển dẫn đến luồng lạch ra vào cảng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vẫn còn tình trạng phương tiện khai thác vi phạm quy định về khai thác thủy sản, song công tác xử lý các vi phạm vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được tính răn đe. Trong khi đó nhận thức của một bộ phận ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao, vẫn còn khai thác bằng các hình thức như kích điện, lưới kéo, hoặc khai thác không đúng vùng khai thác.
Thực tế cho thấy, muốn phát triển bền vững ngành thủy sản thì song song với nó phải phát triển mạnh dịch vụ thương mại, chế biến các sản phẩm. Song, hiện các sản phẩm chế biến thủy sản của Sầm Sơn vẫn mới ở dạng sơ chế cấp đông, mẫu mã, thương hiệu còn hạn chế, thiếu tính cạnh tranh…
Trên cơ sở những kết quả đạt được và trên tinh thần nhìn thẳng vào những mặt còn tồn tại, hạn chế, thời gian tới, TP Sầm Sơn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, cán bộ quản lý và các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản. Qua đó, cung cấp đầy đủ các thông tin về cảnh báo thẻ vàng của EC, khuyến nghị về chống khai thác IUU và các hành vi khai thác bất hợp pháp, cũng như các quy định Nhà nước về khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cộng đồng ngư dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản vùng ven biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu phương tiện khai thác ven bờ, định hướng phát triển phương tiện xa bờ.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, cải tạo Cảng cá Lạch Hới, khơi thông luồng lạch, nạo vét âu tránh trú bão; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề phường Quảng Châu – Quảng Thọ nhằm sớm thu hút doanh nghiệp chế biến thủy sản vào hoạt động. Tiếp tục vận động, kêu gọi giảm tàu thuyền, chuyển đổi nghề phù hợp với tình hình ngư trường khai thác dần bị thu hẹp và nguồn lợi thủy sản suy giảm hiện nay. Chấm dứt khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi, chuyển đổi tàu khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng đang khai thác hải sản sang các ngành nghề khác. Ngoài ra, thành phố chú trọng phát triển sản phẩm thủy sản, như sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch và các hoạt động trải nghiệm gắn với du lịch…
Bài và ảnh: Trần Hằng