Không chỉ rộng mở về cơ hội hợp tác đầu tư, quan hệ thương mại hai chiều giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Hàn Quốc cũng còn rất nhiều dư địa phát triển. Cùng với các hoạt động xúc tiến mạnh mẽ giữa hai bên trong thời gian qua, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh hiện thực hóa quan hệ kết nối với thị trường tiềm năng này.
Trao đổi, kết nối thương mại 1-1 tại Diễn đàn gặp gỡ, kết nối giữa các DN tỉnh Thanh Hóa với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc.
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 112 DN có quan hệ hợp tác xuất khẩu (XK) sang Hàn Quốc với giá trị XK trung bình đạt khoảng 250 – 270 triệu USD mỗi năm. Tuy có tăng trưởng, nhưng con số này đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 5%) kim ngạch XK hàng hóa toàn tỉnh. Các mặt hàng XK chủ yếu hiện nay là may mặc, giày dép, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, đá ốp lát…
Theo các hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh, với quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên cùng nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết, dư địa hợp tác XK từ thị trường Thanh Hóa sang Hàn Quốc còn rất lớn. Điển hình như theo khảo sát của Hiệp hội DN tỉnh thì ngoài các sản phẩm truyền thống, còn có tới hàng trăm sản phẩm nông sản khác đủ tiêu chuẩn và “rộng cửa” tiêu thụ tại Hàn Quốc, như: dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm, cá khô xé sợi, cà phê, đặc biệt là các loại dược liệu như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến…
Trong chuyến khảo sát hoạt động thực tế và tham gia Diễn đàn gặp gỡ, kết nối giữa các DN tỉnh Thanh Hóa với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của KOIMA đã đánh giá cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, quy mô đầu tư của các DN và cho rằng cơ hội để đẩy mạnh XK các sản phẩm của DN Thanh Hóa sang thị trường Hàn Quốc là rất lớn.
Ông Kim Byung Kwan, Chủ tịch KOIMA chia sẻ thông tin: “Hàn Quốc đã phát triển thành nước nhập khẩu lớn thứ 9 thế giới với lượng nhập khẩu ngày càng tăng từ khắp nơi trên thế giới như: châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ, châu Đại Dương, Trung Đông… Phạm vi các sản phẩm được nhập khẩu cũng ngày càng mở rộng tới đa dạng từ khoáng sản, điện tử, máy móc, hóa dầu, thép và kim loại, nông sản, lâm nghiệp và hải sản… Với tư cách là tổ chức kinh tế chuyên nhập khẩu duy nhất của Hàn Quốc, KOIMA có hơn 8.000 công ty nhập khẩu là thành viên với mô hình vận hành thuộc 8 lĩnh vực vật liệu, linh kiện, thiết bị, dịch vụ nhà hàng, ăn uống, đời sống, thời trang và làm đẹp, dịch vụ, công nghiệp 4.0 và phần mềm… Chúng tôi cũng có tới 114 đại sứ quán tại Hàn Quốc và đại diện Thương mại đang tận dụng KOIMA như một cơ hội XK tốt. Do đó, khi kết nối với chúng tôi, các DN Thanh Hóa sẽ sớm hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng XK cho tỉnh Thanh Hóa”.
Ông Lee Chan Ho, Giám đốc Công ty Deawon cho biết thêm: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tới thăm và trao đổi với các DN tại Thanh Hóa và được biết nơi đây có rất nhiều sản phẩm có thể XK được sang Hàn Quốc, thậm chí thông qua Hàn Quốc để XK sang nhiều nước châu Âu. Chúng tôi sẽ kết nối với các DN Thanh Hóa để hai bên có thể hợp tác tốt hơn và cùng phát triển”.
Ở chiều ngược lại, thị trường Hàn Quốc cũng có tiềm năng rất lớn cho hoạt động nhập khẩu, thậm chí là sản xuất các mặt hàng độc quyền theo tiêu chuẩn trên dây chuyền công nghệ hiện đại cho các DN trong nước và trong tỉnh. Mới đây, trong chuyến xúc tiến, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác tại Hàn Quốc do Hiệp hội DN TP Thanh Hóa tổ chức, nhiều DN đã có cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại để học hỏi, mở rộng tư duy sản xuất, đầu tư. Một số DN cũng đã kết nối thành công việc hợp tác sản xuất những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh khi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ánh Dương (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Trước đây, công ty thường tìm kiếm, nhập khẩu các sản phẩm tại Hàn Quốc về phân phối. Tuy nhiên, có những sản phẩm tối ưu với cơ địa người Việt Nam, cũng có những sản phẩm chưa thực sự phù hợp. Sau chuyến thực tế khảo sát quy trình công nghệ tại các nhà máy chế biến thực phẩm, mỹ phẩm tại Hàn Quốc, chúng tôi đã kết nối trực tiếp được với 1 đơn vị sản xuất. Trong chuyến thăm Thanh Hóa của Tổ chức KOIMA, thông qua hoạt động trao đổi trực tiếp 1-1, công ty đã kết nối thành công việc hợp tác sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ sâm, linh chi Hàn Quốc theo công thức độc quyền. Việc hợp tác này giúp công ty có được những sản phẩm giá thành cạnh tranh hơn và phù hợp hơn với cơ địa của người Việt Nam”.
Để xúc tiến và tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Thanh Hóa – Hàn Quốc, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Công Thương làm đầu mối để tiếp tục hỗ trợ DN Hàn Quốc trong các hoạt động thương mại. Các hoạt động mà Sở Công Thương đang hướng tới là làm tốt công tác cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Hàn Quốc cho các DN tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, đơn vị sẽ khảo sát, thông tin về khả năng cung cấp hàng hóa có chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn thương mại quốc tế của các DN Thanh Hóa cho các đối tác Hàn Quốc.
Bài và ảnh: Minh Hằng