Phấn đấu đến năm 2030, TP Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao thương hàng hóa, mua sắm lớn giữa các khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, một phần khu vực Tây Bắc và Đông Bắc Lào. Ngay từ bây giờ, thành phố đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ có thế mạnh, góp phần xây dựng TP Thanh Hóa năng động, hội nhập…
Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa thu hút người dân đến mua sắm.
Những năm gần đây, TP Thanh Hóa luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ. Trong đó, bố trí đầu tư các công trình dịch vụ thương mại hỗn hợp gắn với các khu đô thị, ưu tiên các mô hình tổ hợp thương mại mua sắm lớn kết hợp khu du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực cửa ngõ đô thị. Đồng thời, khai thác các tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu và tăng tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế; góp phần thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu tại chỗ, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Vừa qua, TP Thanh Hóa đã tổ chức, đưa vào hoạt động phố đi bộ Phan Chu Trinh gắn với không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn, làm cơ sở để hình thành và phát triển kinh tế ban đêm. Đồng thời, tổ chức thành công Tuần văn hóa giữa TP Thanh Hóa và TP Hội An cùng các hoạt động văn hóa – văn nghệ tại đây, tạo điểm nhấn trong phát triển thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch, thu hút đông đảo người dân, du khách, doanh nghiệp. Cùng với đó, hoạt động dịch vụ ăn uống được đầu tư, mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhiều nhà hàng có địa điểm rộng, cung cấp các loại hình dịch vụ ăn uống bình dân và cao cấp phục vụ người dân và du khách. Trong 8 tháng năm 2024, tình hình thương mại, dịch vụ tiếp tục có phản hồi tích cực. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 128.587 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Với mục tiêu đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND TP Thanh Hóa đã phát huy nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch, thương mại; hạ tầng du lịch được cải thiện, các dự án đầu tư du lịch phát triển cả về số lượng và quy mô. Tỉnh và thành phố đã quyết định đầu tư hơn 324 tỷ đồng để thực hiện một số dự án trọng điểm như: Dự án bảo tồn và xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng làng cổ Đông Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; dự án xây dựng đường hoa (từ chân cầu Hàm Rồng đến động Tiên Sơn)… Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch tại thành phố cũng ngày càng đa dạng, phong phú với quy mô và loại hình khác nhau. Trong những năm trở lại đây, nhiều khách sạn lớn trên địa bàn thành phố đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp cùng với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng tổ chức các sự kiện, các hội nghị cấp cao, các hoạt động văn hóa, du lịch như Khách sạn Central, Vinpear, Mường Thanh, Thiên Ý, Phượng Hoàng, Đại Việt… Đây là loại hình du lịch không phụ thuộc mùa, vụ trong du lịch và kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch khi về với TP Thanh Hóa.
Phấn đấu đến năm 2030, TP Thanh Hóa trở thành trung tâm giao thương hàng hóa, mua sắm lớn của khu vực.
Là trung tâm đô thị của tỉnh, kinh tế phát triển mạnh, mức sống của người dân cũng tăng cao, TP Thanh Hóa đã tập trung phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, hệ thống chợ theo hướng xã hội hóa, phục vụ tối đa các nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm của người dân. Trên địa bàn thành phố hiện có 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 38 cửa hàng tiện lợi đã được đầu tư xây dựng với quy mô hiện đại, hoạt động có hiệu quả đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Bên cạnh việc đầu tư để trở thành trung tâm thương mại mua sắm lớn thì TP Thanh Hóa cũng đang rất tích cực phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại. Thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để đưa các loại hình kinh doanh, thương mại lên nền tảng số nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đều đã được hỗ trợ các giải pháp về công nghệ như quét mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh; quét mã để thanh toán trực tuyến… Tất cả đều thực hiện trên nền tảng số, đây được xem như khởi đầu cho công cuộc thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP Thanh Hóa, cho biết: Việc đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch được xem là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, là bộ mặt của thành phố nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung. Vì vậy, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, rà soát, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, xây dựng phát triển các trung tâm thương mại lớn, hiện đại trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển du lịch, tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và hình thành các loại sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch MICE… Đồng thời, phát triển thêm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, ẩm thực… Bên cạnh đó, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố kinh doanh truyền thống như Lê Hoàn, Cao Thắng, Đinh Công Tráng, Phan Chu Trinh… trở thành các khu phố thương mại sầm uất, đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh thương mại. Tiếp tục thực hiện tốt việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, phát triển hệ thống phân phối, hệ thống thương mại điện tử, mạng lưới bán lẻ hướng đến phục vụ trực tiếp người tiêu dùng. TP Thanh Hóa đang quyết tâm trở thành “trung tâm thương mại mua sắm lớn trong khu vực”.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/quyet-tam-tro-thanh-trung-tam-thuong-mai-mua-sam-lon-cap-vung-224762.htm