Xác định phòng, chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả trong chăn nuôi, vì vậy công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) luôn được huyện Quảng Xương triển khai, thực hiện quyết liệt, nên nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho GSGC tại xã Quảng Văn.
Xã Quảng Định hiện có hơn 200 con trâu bò, 300 con lợn, hơn 70.000 con gia cầm và 980 con chó chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại và hộ gia đình. Để ngăn chặn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC, nhất là vào thời điểm giao mùa, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người chăn nuôi biết về tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nguy cơ bùng phát lây lan ra diện rộng và các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, cán bộ xã cùng với cán bộ thôn đến từng hộ gia đình chăn nuôi, hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các hộ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng. Bằng cách làm trên, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn GSGC ở Quảng Định nhiều năm liền luôn đạt tỷ lệ cao và được xếp vào tốp đầu của huyện.
Chủ tịch UBND xã Đoàn Đình Tùng cho biết: Sở dĩ công tác tiêm phòng của xã trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ 100% đối với đàn chó, 94% đối với đàn trâu, bò, lợn và 75% đối với đàn gia cầm là do người dân đã ý thức được tầm quan trọng của tiêm phòng, giúp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi của gia đình. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi còn rất quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, khơi thông cống rãnh… Nhờ đó, đàn GSGC trên địa bàn xã mấy năm gần đây không xảy ra dịch bệnh.
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã luôn chú trọng chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trong chăn nuôi. Gia đình ông Đoàn Đình Phúc ở thôn Thượng Đình 2 là chủ trang trại hơn 50.000 con gà cho biết: Để phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh như newcatle, chướng diều, khô chân, gumborro, cầu trùng, tụ huyết trùng… thường xảy ra trên đàn gà, nên khi địa phương triển khai tiêm phòng, tôi đã đăng ký và tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm của gia đình cách đây hơn 1 tháng.
Không chỉ xã Quảng Định, mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Xương như: thị trấn Tân Phong, các xã Quảng Ngọc, Quảng Đức, Quảng Ninh, Quảng Bình… đều quan tâm công tác tiêm phòng cho đàn GSGC. Được biết, Quảng Xương hiện có 7.500 con trâu, bò; đàn lợn gần 40.000 con và đàn gia cầm 1,2 triệu con. Đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, ngoài chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn GSGC theo đúng định kỳ, tổ chức tập huấn bổ sung kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ chăn nuôi thú y cơ sở, huyện còn yêu cầu thống kê số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm. Trên cơ sở đó, chuẩn bị đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hiểu biết, tự giác phối hợp thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò, lợn; cúm gia cầm, dịch tả vịt; bệnh dại động vật ở chó, mèo… Qua 2 đợt tiêm phòng cho đàn GSGC, tỷ lệ tiêm phòng đối với đàn chó đạt tỷ lệ 100%, đàn GSGC đạt trên 85%…
Ngoài triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng cho đàn GSGC, cán bộ thú y của huyện, xã còn khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi, khơi thông cống rãnh, vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi, che chắn chuồng trại đảm bảo cho vật nuôi không bị nhiễm lạnh đột ngột. Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con vật có biểu hiện bất thường để cách ly, điều trị kịp thời.
Nói về hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương Phạm Thị Nhung cho biết: Nhờ quan tâm, làm tốt công tác phòng, chống dịch cho đàn GSGC nên từ năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chỉ xảy ra bệnh viêm da nổi cục nhưng chỉ sau một thời gian ngắn (từ ngày 2/4 đến 21/5/2021) địa phương đã khống chế và dập được dịch với số lượng 108 con phải tiêu hủy. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh khó lường, địa phương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền khuyến cáo để người chăn nuôi biết phòng, tránh dịch. Đồng thời, phân công cán bộ phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình, giúp việc phát hiện, xử lý kịp thời nếu xuất hiện ổ dịch.
Bài và ảnh: Minh Lý