Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế, những năm gần đây huyện Quảng Xương đã tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại – dịch vụ để nâng cao chất lượng đời sống cũng như thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Quảng Chính với nhiều mặt hàng kinh doanh đa dạng.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như thu hút các loại hình dịch vụ, huyện Quảng Xương đã tập trung huy động nhiều nguồn lực nhằm đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành thương mại – dịch vụ. Trong đó, tích cực đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ cũng như khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hiện đại. Nếu như trước đây, hoạt động thương mại chủ yếu tập trung tại các chợ thì nay hình thức bán lẻ hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hay các cửa hàng tạp hóa hiện đại… Từ năm 2015 đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp chọn Quảng Xương là nơi đầu tư, kinh doanh, trong đó có nhiều cửa hàng thuộc doanh nghiệp lớn ra mắt như: Điện máy xanh, FPT Shop, Media Mart… Chính nhờ sự ra đời của nhiều hệ thống thương mại hiện đại mà nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân đã được đáp ứng tốt, đồng thời tạo cho người tiêu dùng thêm nhiều trải nghiệm cũng như được tiếp cận với đa dạng các loại mặt hàng khác nhau. Chị Lê Thu Thủy, xã Quảng Chính chia sẻ: “Từ khi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ra đời, các mặt hàng đa dạng, phong phú nên chúng tôi có nhiều sự lựa chọn. Những năm trước, nếu muốn mua hàng điện tử hay hàng gia dụng thì phải lên TP Thanh Hóa, tuy nhiên bây giờ tôi chỉ cần đến trung tâm huyện là đã có đủ những thứ mình cần”.
Bên cạnh sự xuất hiện của hệ thống thương mại hiện đại, thì chợ vẫn là kênh mua sắm chủ đạo của người dân nông thôn. Bởi vậy huyện Quảng Xương đã chú trọng nâng cấp, cải tạo một số chợ trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đến nay trên địa bàn huyện có 20 chợ đã được chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và 31 chợ được công nhận chợ an toàn thực phẩm. Đây chính là tiền đề để thu hút người tiêu dùng cũng như là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động bán lẻ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương có gần 4.500 cơ sở và 213 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 7.000 lao động. Các ngành thương mại – dịch vụ cũng có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, tính đến hết tháng 9/2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của huyện đạt 4.697 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Để có được kết quả đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó giải quyết cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, để môi trường kinh doanh văn minh, lành mạnh huyện còn tăng cường các công tác quản lý, kiểm tra, nghiêm cấm việc buôn bán, gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, huyện Quảng Xương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giao thương hàng hóa. Đồng thời thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất trên địa bàn, vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vừa thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với sản xuất, kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm khai thác tối đa lợi thế của huyện. Phấn đấu đến năm 2024, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ năm là 25%…
Bài và ảnh: Chi Phạm