Quảng Ninh: Hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, nhà tốc mái
Qua thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh khi bão số 3 đổ bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 – 13 (118 – 149 km/giờ), giật cấp 16, khiến hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ. Hàng loạt cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh có công trình bị hư hại.
Điển hình như Cung quy hoạch triển lãm tỉnh Quảng Ninh được đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng bị thổi bay mái, hay toàn bộ mặt trước của trụ sở Công ty Than Hòn Gai cao 11 tầng đã không còn tấm kính nào.
Đáng chú ý, sức công phá của bão số 3 làm vỡ kính nhiều tòa nhà cao tầng, chung cư, thổi bay ban công khiến người dân phải sơ tán hoặc rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (52 tuổi, trú TP.Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ: “Hàng chục năm sinh sống tại Hạ Long, tôi mới chứng kiến cơn bão khủng khiếp đổ bộ vào đây. Có vẻ như mọi người đã dự báo chưa sát với sức công phá của bão khiến thiệt hại là rất lớn”.
Chứng kiến cảnh nhà hàng sau bao năm xây dựng bỗng đổ sập, anh Hoàng Trọng (39 tuổi, chủ nhà hàng Bảo Ngân, P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long) nghẹn ngào: “Tôi nghe hàng xóm nói nhà hàng bị đổ sập, vội chạy đến nơi thì thấy cảnh hoang tàn. Nhiều ô tô của hàng xóm đỗ trước cửa cũng bị vạ lây khi gạch rơi trúng”.
Lúc 19 giờ 30 ngày 7.9 tại Quảng Ninh, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, mưa bắt đầu nặng hạt, gió thổi vẫn rất mạnh. Điện lưới chưa được cấp trở lại; hệ thống giao thông hỗn loạn; sóng điện thoại không ổn định chưa thể thông suốt.
Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, do ảnh hưởng của gió rất mạnh và mưa lớn của bão số 3, nhiều đường dây truyền tải điện 500 kV và 220 kV tại Quảng Ninh bị sự cố. Một số đường dây được chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn. Sau khi bão đi qua và gió mạnh giảm dần, việc khôi phục vận hành và cung cấp điện sẽ được khẩn trương triển khai.
Không chỉ tại TP.Hạ Long nhiều địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh cũng chịu hậu quả lớn do bão số 3 gây ra. Tại H.Hải Hà, có khoảng 60 nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái tôn, 1 nhà dân tại xã Quảng Long đang thi công dở bị sập. Trên 300 cây xanh tại các tuyến QL18A, các tuyến đường xã, thị trấn bị gãy đổ; nhiều biển quảng cáo bị đổ và hỏng. Các xã, thị trấn hiện đang bị mất điện diện rộng do có 20 điểm dây điện bị đổ do cây đè vào làm đứt dây điện; 5 cột điện hạ thế bị đổ; 5 cột đèn chiếu sáng bị cong.
Trong khi đó, huyện đảo tiền tiêu Cô Tô chưa thể khắc phục liên lạc. Thời điểm 17 giờ ngày 7.9, qua thông tin nhanh của địa phương này cho biết toàn huyện bị mất điện, không có tín hiệu viễn thông; 6 tàu tại khu vực âu tàu bị đắm; khoảng 100 nhà dân, trụ sở, trường học, khách sạn bị tốc mái tôn, chưa có nhà bị sập; trên 80 cây xanh bị gãy đổ. Hiện không có thiệt hại về người.
Trước hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã huy động khoảng 2.000 người dọn dẹp đường phố và khẩn trương khắc phục các sự cố cấp thiết như điện lưới, viễn thông để ổn định đời sống. Tuy vậy, chính quyền cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà trong lúc thời tiết xấu để đảm bảo an toàn.
Ghi nhận của Thanh Niên vào lúc 20 giờ cùng ngày, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể có điện lưới, hệ thống siêu thị, cửa hàng ngừng bán. Nhiều người dân cố đi tìm kiếm nguồn thực phẩm đều rất khó khăn do đường phố hỗn loạn, không có liên lạc viễn thông.
Bão gây mất điện, Hải Phòng bị cô lập về thông tin
Sáng 7.9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo chống bão số 3 tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại TP.Hải Phòng.
Theo thông tin từ Sở Chỉ huy, đến sáng 7.9, gió tại huyện đảo Bạch Long Vĩ cấp 12, giật trên cấp 12. Nhiều cây cối, mái nhà tôn bị lật. Trong khu nội thành gió cấp 8, cấp 9; tại Cát Bà, Đồ Sơn gió đạt cao hơn. Điện một số khu vực tại H.Cát Hải bị cắt.
Hải Phòng đã di dời 23.500 người khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là dân sinh sống tại khu vực chung cư cũ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Minh Đông, Chủ tịch UBND H.Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng), cho biết bão số 3 di chuyển qua huyện đảo lúc 8 giờ cùng ngày. Tại huyện có gió mạnh khoảng cấp 12, giật cấp 13 – 14 theo hướng tây – tây nam, trời mưa nặng hạt.
“Tất cả các phương tiện tàu thuyền của ngư dân đã được neo đậu và đưa lên bờ an toàn. Qua quan sát của Trạm ra đa 490, không phát hiện có phương tiện nào đang hoạt động trên vùng biển quanh đảo. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức 3 cuộc họp và thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo, triển khai các phương án phòng, chống bão trên đảo và vùng biển quanh đảo. Rà soát, đảm bảo lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc men dự trữ phục vụ phòng, chống bão số 2”, ông Đông thông tin.
Theo báo cáo nhanh từ UBND H.Bạch Long Vĩ, đến trưa 7.9 không có thiệt hại về người. Về tài sản, 1 cơ quan bị tốc mái tôn, đổ tường bao, đổ cổng; nhiều cây cối tại các tuyến đường và trong các cơ quan, đơn vị bị đổ gãy. Ngay sau bão số 3 đi qua, UBND H.Bạch Long Vĩ sẽ thống kê cụ thể.
Tại H.Tiên Lãng, lãnh đạo UBND huyện cho biết thiệt hại do bão số 3 gây ra là vô cùng lớn, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, huyện chưa có thống kê thiệt hại cụ thể. Đến 18 giờ ngày 7.9, các kênh thông tin liên lạc tại huyện đang bị gián đoạn.
Theo ghi nhận sơ bộ, thiệt hại do bão gây ra tại Hải Phòng là rất nặng nề. Nhiều cây xanh, cột điện, biển quảng cáo trên các tuyến phố bị đổ gãy; nhiều nhà mái tôn bị tốc mái, cửa kính nhà dân bị bung vỡ; người dân đi lại trên đường bị gió xô ngã, có người bị thương bởi các đồ vật rơi xuống trên đường….
Đáng chú ý, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cho biết do ảnh hưởng của bão, nhiều khu vực, khu dân cư đã gặp sự cố, gây mất điện. Toàn thành phố có hơn 500.000 khách hàng sử dụng điện nhưng có hơn 400.000 khách hàng không thể sử dụng điện trong thời điểm này.
Dự kiến sau khi bão tan, ngành điện Hải Phòng mới có thống kê cụ thể thiệt hại cũng như đưa ra các phương án khắc phục.
Nhiều người dân Hải Phòng sống xa quê rất lo lắng khi mất liên lạc trong nhiều giờ liền với gia đình, người thân ở tâm bão. Chị Nguyễn Thanh Hương (trú tại Hà Nội) cho biết: “Trưa nay khi bão mới bắt đầu vào, tôi vẫn còn gọi điện thoại được cho mẹ để hỏi thăm tình hình. Nhưng đến khoảng 14 giờ, tôi không liên lạc được với bà nữa. Gọi cho mọi người thân khác ở Hải Phòng cũng đều không liên lạc được. Tôi rất lo lắng”.
Cùng chung tâm trạng, anh Bùi Văn Thái (trú tại Hà Nội) hoang mang: “Mấy chục năm nay, tôi chưa từng thấy cơn bão nào mạnh như thế này. Giờ là tối muộn rồi, tôi cũng chưa thể gọi điện cho người thân ở Hải Phòng, chứng tỏ các mạng trên vẫn chưa thể phục hồi. Người dân Hải Phòng gần như bị cô lập về liên lạc với tỉnh ngoài cũng như với ngay trong thành phố”.
Chiều tối ngày 7.9, PV Thanh Niên liên hệ với lãnh đạo H.Cát Hải, Q.Đồ Sơn để có thông tin sơ bộ về thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhưng đến 19 giờ 30 cùng ngày đều không liên lạc được.
TP.HCM sẵn sàng chia sẻ với vùng tâm bão số 3
Ngày 7.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo sát tình hình bão số 3 (Yagi), dự báo các tình huống mưa to, triều cường, cây gãy đổ, kịp thời thông báo để người dân sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại.
Đồng thời, phân công lực lượng ứng trực, tổ đội giúp dân khi gặp khó; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, uốn nắn, xử lý trách nhiệm; thường xuyên báo cáo về Thường trực Thành ủy TP.HCM để kịp thời chỉ đạo. Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu lên kế hoạch, sẵn sàng chia sẻ với TP.Hà Nội và những nơi vùng tâm bão.
Sỹ Đông
Hà Nội: cây đổ, giao thông tê liệt
Lúc 20 giờ ngày 7.9, tâm bão số 3 (Yagi) quét qua Hà Nội, với gió cấp 10 khiến cây cối đổ ngổn ngang, giao thông tê liệt. Trên nhiều tuyến phố, lực lượng CSGT, công an các địa phương và chính quyền sở tại được huy động để đốn hạ cây, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực có cây đổ gãy.
Về thiệt hại do mưa bão gây ra, theo Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội, tính đến 15 giờ 30 cùng ngày, gió bão đã khiến 484 cây xanh trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã bị gãy, đổ. Cây đổ còn khiến 2 người chết, 7 người bị thương.
Trưa ngày 7.9, Hanoi Metro đã dừng vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội. Cùng ngày, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá trên địa bàn thủ đô cũng tạm dừng.
Trước đó, để tránh rủi ro, thiệt hại về người do mưa bão gây ra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Trước khi bão đổ bộ, chính quyền đã di dời hơn 400 người dân thuộc các quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình và TX.Sơn Tây đến nơi trú ẩn an toàn.
Nguyễn Trường
Miền Bắc mất điện trên diện rộng
Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cập nhật đến 15 giờ ngày 7.9, mưa bão số 3 đã gây ra sự cố mất điện, ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng. Tại Quảng Ninh, 52/52 đường dây 110 kV và 21/21 trạm biến áp đã tách khỏi vận hành khiến toàn bộ tỉnh Quảng Ninh mất điện. Đến 18 giờ cùng ngày, Quảng Ninh đã khôi phục được 15/21 xuất tuyến trung áp tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực ở địa phương này vẫn bị mất điện. Còn tại Hải Phòng, gió bão giật cấp 15 gây sự cố mất điện 6 đường dây 110 kV, hơn 300.000 khách hàng bị mất điện.
Tại Thái Bình có 4 sự cố đường dây 110 kV và 3 trạm biến áp 110 kV gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng khoảng 570.000 khách hàng. Tại Thanh Hóa thống kê có 120.000 khách hàng; Nam Định có 265.000 khách hàng; Hải Dương có 159.000 khách hàng bị mất điện.
Bắc Giang ghi nhận có 32 đường dây bị sự cố gây mất điện, ảnh hưởng 300.000 khách hàng, chiếm khoảng 50% tổng số khách hàng trong toàn tỉnh.
Phan Hậu
Bão số 3 tàn phá miền Bắc
Theo thống kê ban đầu của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bão số 3 đã khiến 4 người chết (Quảng Ninh 3 người, Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người); 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải đứt neo trôi dạt. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng. Nhiều nhà ở hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Báo cáo từ Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), bão số 3 đã gây ra nhiều sự cố, tai nạn trên biển khiến nhiều thuyền viên mất tích. Cụ thể, tại Quảng Ninh, tàu Tiến Thành 05 (tàu cần cẩu, thuộc Công ty CP thương mại logistics Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục – Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị mất tích cùng 7 thuyền viên. Ngoài ra, các tàu Tiến Thành 02, Tiến Thành 03 thuộc công ty này bị trôi dạt, mắc kẹt tại Cung Cá Heo, TP.Hạ Long. Trên mỗi phương tiện có khoảng 10 người.
Tàu kéo biển Hồng Gai (thuộc Công ty CP cảng Quảng Ninh) khi neo tránh bão tại khu vực Hang Bồ Nâu có 7 thuyền viên, đã bị mất tích. Ngay sau khi sự cố xảy ra, tàu lai Hạ Long 8 đã vớt được 1 thi thể, 6 thuyền viên còn lại vẫn đang mất tích.
Còn tại Hải Phòng, 1 tàu cá bị hỏng máy, trên tàu có 1 người, trôi dạt tại khu vực hòn Vạn Bội – Cát Bà, đến thời điểm báo cáo không liên lạc được với tàu. Gần vị trí tàu bị nạn có tàu CSB 9004, cách 6 hải lý, sẵn sàng cơ động đi tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên do thời tiết xấu, tàu CSB 9004 vẫn chưa tiếp cận được tàu bị nạn.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/quang-ninh-hai-phong-tan-hoang-vi-bao-so-3-185240908004041815.htm