Xây dựng văn hóa học đường có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện nhân cách, đạo đức và phẩm chất cho học sinh, từ đó thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các trường học trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh… nhằm hướng tới việc xây dựng một môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh.
Trường Tiểu học và THCS Newton TH (TP Thanh Hóa) tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
Đến Trường Tiểu học và THCS Newton TH (TP Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi ấn tượng với không gian sáng – xanh- sạch – đẹp, nền nếp sinh hoạt khoa học của học sinh và giáo viên nhà trường. Bà Bùi Thị Vĩnh, trợ lý ban giám hiệu nhà trường, chia sẻ: “Nhà trường đặc biệt quan tâm đến thực hiện văn hóa học đường từ những việc nhỏ nhất như dạy học sinh cách chào hỏi, giao tiếp hằng ngày với khẩu hiệu “Yêu thương và tôn trọng”, văn hóa xếp hàng vào lớp, văn hóa trong ăn uống. Ngoài ra, nhà trường còn tích cực lồng ghép dạy văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa; đổi mới sinh hoạt Đoàn, Đội, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh toàn trường trong các buổi chào cờ và sinh hoạt ngoại khóa. Hằng năm tổ chức các chuyên đề, diễn đàn về xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường… Cùng với đó, nhà trường cũng chú trọng đến vai trò nêu gương của các thầy, cô giáo với phương châm “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, có vai trò định hướng hành vi, thái độ cho học sinh đúng chuẩn mực, trong sáng, lành mạnh, thân thiện… Từ các quy tắc ứng xử có văn hóa được thực hiện hằng ngày đã giúp nhà trường xây dựng được môi trường học đường thân thiện và an toàn, tạo sự đoàn kết, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau.
Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bởi vậy, ngành giáo dục và đào tạo TP Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng văn hóa học đường dựa trên giá trị cốt lõi của “Trường học hạnh phúc”. Mỗi trường học đều xây dựng những nội quy, mục tiêu cụ thể để hướng học sinh đến những điều tích cực. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giảng dạy, quan tâm đến việc giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh trong nhà trường. Đồng thời, kết hợp giữa dạy chữ với dạy người. Phòng cũng xây dựng kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu: Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường… Từ đó, đáp ứng yêu cầu của ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại huyện Nông Cống, ông Đỗ Ngọc Phan, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: “Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp người học phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trong đó, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo trong huyện đã tích cực xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định rõ nguyên tắc ứng xử chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh và phụ huynh. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong việc tuyên truyền, xây dựng văn hóa học đường. Đơn vị cũng chủ động phối hợp với các đơn vị như đoàn thanh niên huyện, công an huyện… mở các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về phổ biến kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy và phòng tránh bạo lực học đường. Tích cực đầu tư, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan sư phạm xanh – sạch – đẹp, thành lập các câu lạc bộ, các loại hình thư viện xanh, thân thiện để phát triển văn hóa đọc cho học sinh…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến nay hầu hết nhà trường đều xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, tích cực lồng ghép giáo dục văn hóa học đường cho học sinh vào các môn học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích thu hút học sinh tham gia thông qua các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt