Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ, là nền tảng tinh thần của xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt nhằm hướng đến việc tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đội văn nghệ xã Xuân Thắng (Thường Xuân).
Theo chia sẻ của Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân Lê Hữu Giáp, thời gian qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh luôn được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Bởi vậy, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa gắn với công tác bảo tồn di tích, di sản và phát triển du lịch… Từ đó, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng và hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, vừa truyền thống vừa phù hợp với nếp sống văn minh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả cộng đồng. Huyện đã chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện tới cơ sở; thực hiện nghiêm việc bình xét các danh hiệu văn hóa, trong đó đề ra các tiêu chuẩn cụ thể để các hộ gia đình, thôn, phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký, phấn đấu; chỉ đạo xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở khu dân cư. Đến nay, hương ước, quy ước đã được xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện tại 124/124 thôn, bản, khu phố trong toàn huyện. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng đi vào chiều sâu, các đám cưới hầu hết được tổ chức gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm; đám tang không tổ chức dài ngày, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện cũng nhận được sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể bằng việc phát động, thực hiện các phong trào, mô hình thiết thực như: Hội phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; hội người cao tuổi thực hiện “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Qua đó, tạo được sức lan tỏa để mỗi cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ các gia đình đăng ký và đạt danh hiệu văn hóa ngày càng cao. Trong 6 tháng năm 2023, toàn huyện có 73,4% gia đình đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa… Từ việc thực hiện các hoạt động, phong trào, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú ở khu dân cư và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Không chỉ ở huyện Thường Xuân, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh đã và đang được nhiều địa phương khác trong tỉnh quan tâm thực hiện như Nông Cống, Yên Định, Hà Trung… thông qua nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nếp sống văn minh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân- thiện – mỹ…
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có 83,7% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 83,3% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng thôn, bản ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh có 4.650 câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ quần chúng. Nhiều CLB văn nghệ dân gian, CLB thơ, chèo, tuồng, dân ca, dân vũ được hình thành, duy trì có hiệu quả, làm phong phú thêm đời sống của Nhân dân. Kết quả đạt được của các hoạt động, phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Ngoài ra, để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh thì việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân là điều hết sức quan trọng. Do đó, việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, nhất là hệ thống di tích lịch sử – văn hóa được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Tính riêng trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã có 79 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc); bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường giai đoạn 2, xã Hà Long (Hà Trung); bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu; bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Lam Kinh… Cùng với đó, là nhiều lễ hội được gìn giữ và phát huy giá trị trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan tìm đến, điển hình như lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu, trò Xuân Phả…
Có thể thấy rằng, phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã khẳng định được sức sống mãnh liệt, ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là tình trạng ứng xử thiếu văn hóa còn xảy ra, nhất là trên môi trường mạng. Môi trường văn hóa còn nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục. Chất lượng danh hiệu văn hóa chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng miền và kết quả chưa thực sự bền vững. Một số phong trào văn hóa còn mang tính hình thức, nội dung đơn điệu, thiếu hấp dẫn, hiệu quả xã hội chưa cao, công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi còn chưa được chú trọng, tình hình an ninh trật tự còn có diễn biến phức tạp…
Bởi vậy, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa thì điều quan trọng nhất là phải bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng xã hội. Đồng thời, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của môi trường văn hóa trong sự phát triển bền vững, cũng như nội dung của xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tích cực tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là các phong trào hạt nhân, như xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thi đua người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng vẫn phải chú trọng giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt