Cùng với các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, huyện Quan Sơn đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi, sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Mô hình trồng lúa Nhị Ưu 69 tại xã Sơn Thủy.
Trước đây, người dân huyện Quan Sơn sử dụng nhiều giống lúa khác nhau trên cùng một cánh đồng. Do vậy, thường xuyên xảy ra rủi ro, sản phẩm chỉ mang tính tự cung, tự cấp, giá trị kinh tế thấp. Sau hơn 4 năm trồng thử nghiệm giống lúa J02 (là giống lúa thuần dòng Japonica, nguồn gốc từ Nhật Bản), đã đem lại hiệu quả bước đầu, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, cho biết: Giống lúa J02 là một trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay. Với nhiều ưu điểm như cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chịu rét, chịu thâm canh, bộ lá xanh đậm, khỏe, góc lá đồng hẹp, có khả năng chống chịu sâu bệnh và kháng bạc lá tốt, nhất là vào vụ mùa. Ngoài ra, khi thu hoạch, hạt thóc bầu, ít rụng, tỷ lệ hạt chắc cao, khả năng thích ứng rộng; hạt gạo khi xát ra to, cơm mềm, dẻo, vị đậm… Để nâng cao chất lượng cho sản phẩm lúa gạo J02, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn cho bà con nông dân trồng theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thay vào đó là phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cán bộ ngành nông nghiệp cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa. Do áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên giống lúa J02 đạt năng suất 58 – 59 tạ/ha. Hiện, giống lúa J02 đã được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, trong đó tập trung tại một số xã như Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Điện. Thời gian tới, huyện Quan Sơn tiếp tục nhân rộng và phát triển thành vùng sản xuất, đồng thời, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nâng cao đời sống người dân.
Với đặc thù nguồn nước mặt có diện tích lớn, mực nước sâu, nguồn nước sạch, năm 2021, HTX cá lồng Trung Xuân được thành lập với 24 thành viên chính thức và gần 60 hộ tham gia nuôi các loại cá, như: lăng, trắm, rô phi đơn tính, chép… trên lòng hồ thủy điện Trung Xuân. Ngoài mô hình HTX, Nhân dân cũng triển khai hơn 100 lồng nuôi, chủ yếu bà con nuôi cá trắm. Cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện được đánh giá có chất lượng, thịt chắc, thơm ngon nên rất được ưa chuộng. Mỗi năm, bà con thu hoạch 2 vụ, với giá các loại cá có mức dao động từ 60.000 đến 100.000 đồng/kg, mỗi gia đình thu lãi 80 – 100 triệu đồng/năm. Ngoài mô hình nuôi cá lồng, xã Trung Xuân còn phát triển mô hình sản xuất chè tán ma theo hướng hữu cơ. Hiện toàn xã có 1,5 ha chè trồng tập trung hoặc rải rác quanh các bản làng. Quá trình trồng và chăm sóc chè, người dân không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu hay phân bón nên sản phẩm chè được đánh giá cao và được ưa chuộng.
Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ và du lịch trên địa bàn huyện, năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đề án mở ra hướng đi cho nông nghiệp Quan Sơn phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các chương trình NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển du lịch. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái phải được triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi… Trên thực tế, trong những năm qua, Quan Sơn đã chú trọng, nỗ lực xây dựng một số mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bước đầu đã mang lại hiệu quả, thành công từ các mô hình sẽ tạo tiền đề để việc triển khai đề án đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với giảm nghèo bền vững và XDNTM là một trong ba chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Khi bắt tay vào thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Quan Sơn gặp rất nhiều khó khăn, do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, lại phải thường xuyên gánh chịu hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Trước thực tế đó, Đảng bộ huyện Quan Sơn đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả, đồng bộ các chương trình, nguồn lực đầu tư của trung ương, của tỉnh vào tình hình thực tế tại các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn huyện như: Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, XDNTM. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị như, mô hình nuôi cá tầm ở xã Sơn Điện; vịt cỏ ở xã Sơn Hà, Tam Lư; trồng rau sạch, trồng lúa Nhị Ưu 69 tại xã Sơn Thủy; nuôi gà ri dưới tán rừng theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi bò, lợn cỏ bản địa…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Quan Sơn năm 2022 giảm 5,23%, từ 40,89% xuống còn 35,66%; ước năm 2023, giảm 5,57%, từ 35,66% xuống còn 30,09%. Để các mô hình sản xuất được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Quan Sơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, định hướng cho người dân phát triển các mô hình phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất; nhất là các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: Trần Hằng