Hướng đến mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, huyện Quan Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Hiệu quả các hoạt động đã từng bước làm cho nếp sống văn hóa thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, từng hộ gia đình, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống.
Tiết mục văn nghệ tại lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa).
Huyện Quan Hóa có 5 dân tộc sinh sống gồm Thái, Mường, Mông, Kinh, Hoa. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Thái (khoảng trên 65%), Mường (trên 24,4%). Sự giao thoa giữa các nền văn hóa của 5 dân tộc đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng, phong phú đa dạng cho huyện Quan Hóa. Nổi bật với những đặc trưng văn hóa truyền thống của người Thái, Mường, như: Lễ hội Mường Ca Da, lễ hội Chá Chiêng; tập quán xã hội, tín ngưỡng mo Mường; các trò chơi, trò diễn như: khặp Thái, khua luống, nhảy sạp, trống chiêng, thổi khèn bè, kéo co; nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống, các phong tục tập quán, ẩm thực…
Tiêu biểu là lễ hội Mường Ca Da mang đậm nét văn hóa của người Thái với các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ rước kiệu – dâng hương, lễ “tay ắm oóc”, lễ “xên mường”. Lễ hội tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao của nhân vật lịch sử “Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” cùng với Nhân dân đã có công khai phá vùng đất Mường Ca Da. Cùng với các nghi thức truyền thống, lễ hội còn có trình diễn trống, chiêng, khua luống; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn dệt thổ cẩm và các trò chơi: bắn nỏ, đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đẩy gậy, kéo co, tung còn… Với những đặc trưng văn hóa, lịch sử của vùng đất Quan Hóa, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Quan Hóa đã xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và lâu dài. Huyện đã bám sát nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” từ đó xây dựng các đề án, chương trình hành động nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Xác định người dân đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, huyện Quan Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống; vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc; vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho người dân và các em học sinh trong các trường học.
Đặc biệt, nhận thức rõ những lợi ích, tiềm năng của văn hóa dân tộc trong phát triển kinh tế, văn hóa, huyện Quan Hóa đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Trong quá trình thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được bảo tồn và phát huy giá trị như các trò chơi, trò diễn dân gian, nghề đan lát, dệt truyền thống và ẩm thực…
Một trong những cách làm của huyện đó là tổ chức, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức lễ hội, chương trình văn hóa, văn nghệ. Huyện đã khuyến khích các đơn vị, địa phương tăng cường tổ chức các trò chơi, trò diễn không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội mà còn ở các buổi sinh hoạt văn hóa ở các địa phương, cơ quan, trường học. Khuyến khích người dân các địa phương thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống. Từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống được “sống” trong đời sống của người dân.
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn huyện Quan Hóa đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Song, trên thực tế triển khai, công tác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng.
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Hóa Lương Thị Hồng Nhung cho biết: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, do đó huyện Quan Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; chú trọng công tác đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa và du lịch trên địa bàn huyện. Từ đó, góp phần đưa những giá trị văn hóa truyền thống trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội.
Bài và ảnh: Thùy Linh