Từ rất sớm, Quảng Tiến (Sầm Sơn) đã có nghề khai thác hải sản, đồng thời có cửa Lạch Hới thuận tiện cho tàu thuyền ra vào cửa biển; có cảng cá, âu trú bão cho tàu thuyền rất thuận tiện cho việc neo đậu và vào bốc dỡ hàng hóa. Người dân Quảng Tiến được xác định là nguồn lực chính của quá trình phát triển với tinh thần cần cù, chịu khó, năng động với cơ chế thị trường… Lao động trong độ tuổi chiếm 54% dân số; trong đó, trên 45% lao động đã qua đào tạo. Ngành nghề chính của địa phương là khai thác, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng vận động ngư dân cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản, không khai thác bất hợp pháp theo quy định của IUU.
Nhằm tạo tiền đề thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chương trình trọng tâm phát triển ngành thủy sản gắn với du lịch. Bám sát nghị quyết đại hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, để làm cơ sở để triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch và chương trình hành động thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển ngành thủy sản gắn với du lịch.
Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu nghị quyết đề ra để xây dựng nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân đầu tư nâng cấp tàu công suất lớn và mua sắm thiết bị hiện đại để vươn khơi khai thác thủy sản có giá trị cao. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nghề phù hợp với thực trạng đời sống người dân và đặc điểm ngư trường. Khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, như thu mua, sơ chế, bảo quản sản phẩm; cung ứng vật tư, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, xây dựng thương hiệu riêng của Quảng Tiến.
Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội, sản lượng khai thác bình quân hằng năm ước đạt 18.000 tấn (đạt 100% kế hoạch/năm); giá trị ước đạt 1.507 tỷ đồng. Là địa bàn đứng chân của Cảng cá Lạch Hới – một trong những cảng cá lớn của tỉnh Thanh Hóa – hàng năm, địa phương đã cung cấp cho TP Sầm Sơn lượng hải sản lớn như cá, mực khô, nước mắm… Năm 2022, sản phẩm chả mực của Quảng Tiến đã được công nhận sản phẩm OCOP. Hiện số phương tiện khai thác hải sản của địa phương đã giảm còn 172 tàu (giảm 43 tàu so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, 162 tàu có chiều dài từ 12 m trở lên, tổng công suất 59,212 CV đang đánh bắt xa bờ; và 10 tàu có chiều dài từ 6 – 12 m, đang đánh bắt ven bờ. Tổng số lao động tham gia đánh bắt hải sản là 1.132 người (giảm hơn 800 lao động so với đầu nhiệm kỳ).
Ngoài ra, đầu năm 2023 đến nay UBND phường đã phối hợp phòng Kinh tế (TP Sầm Sơn) tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, đã cấp phát tài liệu tuyên truyền Sổ tay hướng dẫn chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU và Sổ tay “Những điều ngư dân cần biết khi hoạt động trên biển” cho 162 chủ phương tiện nghề cá trên địa bàn phường. Ngoài ra, tổ chức triển khai Kế hoạch số 14/KH-SNN&PTNT, ngày 17-2-2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức thực hiện “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” năm 2023 đạt kết quả cao.
Tuy vậy, việc thúc đẩy phát triển ngành thế mạnh trên địa bàn phường Quảng Tiến cũng đang đứng trước những khó khăn chung. Đó là nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt; lao động nghề cá, nhất là thanh niên đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động, không còn mặn mà với nghề biển. Vẫn còn phương tiện có nguy cơ vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn…
Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến Trần Văn Dũng cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể sẽ tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư ngư lưới cụ, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tìm kiếm ngư trường khai thác mới. Đồng thời, tích cực đấu mối với các ban, ngành của TP Sầm Sơn để tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân. Vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản, không khai thác bất hợp pháp và không báo cáo theo quy định của IUU; thường xuyên mở máy giám sát hành trình khi tham gia sản xuất tại các vùng biển.
Cùng với đó, động viên Nhân dân và các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề phục vụ cho hậu cần nghề khai thác thủy sản; đồng thời, cung cấp hải sản cho thị trường và đăng ký, quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống, hải sản Lạch Hới phục vụ cho du khách, người tiêu dùng. Quan tâm công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản ven bờ sang một số nghề khác như chăn nuôi, trồng trọt, du lịch, thương mại… Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ đồng hành với ngư dân trong việc đề xuất các cơ chế hỗ trợ trong quá trình vươn khơi bám biển. Từ đó, tạo cơ sở để cán mốc sản lượng khai thác đã đề ra trong năm 2023 của phường.
Bài và ảnh: Trường Giang