Bằng năng lực, bản lĩnh, khát vọng, phụ nữ Việt Nam nói chung, những “đóa hồng” xứ Thanh nói riêng đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Đó cũng là hành trình tỏa sáng phẩm chất đạo đức: “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” của người phụ nữ trong thời đại 4.0.
Chị Nguyễn Đan Quế, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, tham luận tại Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh: Lịch sử, giá trị, sự lan tỏa và việc bảo tồn, phát huy” do Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức vào tháng 4-2023.
… Sáng sớm, mình sắp hàng và bắt đầu hành trình từ Bắc lượn ra Hàm Rồng, đến khu Vinhomes gửi cho cô chủ của Behapy xinh xắn, tiếp tục chạy xe về phía Đông xuống vùng đất biển Sầm Sơn trong màn mưa. Dừng ở Khách sạn Bộ Tài chính, gọi cho chị trưởng đoàn, mấy chị em khệ nệ chuyển 2 thùng hàng to nặng vào thang máy lên tầng 4. Nhanh chân đi về phía Nam, đến HDU – Trường Đại học Hồng Đức cho kịp giờ học, giờ lên lớp. Trưa muộn mới tan học, ông trời cho chút nắng thật mừng. Và rồi, mình lại lượn xe về phía Tây, gửi nốt 2 đơn hàng ở An Hoạch, hoàn thành lại chạy về phía Bắc nhà mình. Đúng vòng tròn! Vòng tròn hôm nay, mình loanh quanh kiếm chữ Startup (khởi nghiệp)…
Dòng trạng thái đăng tải ở trang cá nhân trên facebook của chị Nguyễn Đan Quế, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức sinh hoạt cùng Ban Lý luận phê bình văn học, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa khiến tôi không khỏi tấm tắc. Ở chị, người đối diện thấy cả nét truyền thống và hiện đại đồng hiện, không hề mâu thuẫn. Tôi vẫn thường gọi chị là “nàng thơ” bởi vóc dáng thanh mảnh, tính cách dịu dàng, vui trẻ. Chị Quế thích để mái tóc dài ngang eo, đen mượt; thích diện áo dài truyền thống trong các sự kiện; trang điểm hằng ngày cũng chuộng sự đơn giản.
Ấy vậy mà con người ấy “xông pha” thì phải biết! Trong hoạt động chuyên môn, chị không ngừng nỗ lực trau dồi kinh nghiệm, kiến thức. Với chị, sự học là muôn đời, đã là thầy/cô càng phải học, đúng tinh thần: “Học – học nữa – học mãi”. Hiện chị đang làm nghiên cứu sinh. Tâm huyết với đề tài thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, chị không quản mưa, nắng, “xách ba lô lên và đi” khắp cung đường… Bên cạnh đó, “nàng thơ” cũng mạnh dạn thử sức mình với công việc kinh doanh, buôn bán trong lĩnh vực ẩm thực, có hẳn trang “Bếp Việt” hoạt động sôi nổi trên facebook.
Với chị Quế, người phụ nữ hiện đại là người đẹp về tâm hồn, trí tuệ, tự tin, bản lĩnh, có ước mơ và dám thực hiện ước mơ. Có thể ở một hoàn cảnh nào đó họ thất bại nhưng điều quan trọng là họ đã mạnh mẽ đứng dậy và bước tiếp để gặt hái thành công. Người phụ nữ hiện đại là người biết cách chia việc nhà cho các thành viên trong gia đình, kéo họ cùng làm việc nhà với mình. Đó vừa là trải nghiệm, san sẻ, kết nối tình thân, vừa hiểu thêm về giá trị cuộc sống, vun đắp hệ giá trị gia đình. Phụ nữ hiện đại phải biết yêu bản thân mình, biết làm đẹp, biết hưởng thụ thành quả lao động của mình một cách ý nghĩa.
Chị Quế chia sẻ: Người phụ nữ ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Họ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của gia đình, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp. Bằng sự tự tin, bản lĩnh của mình cộng với phẩm chất được nối dài từ truyền thống, họ vượt lên định kiến giới, khẳng định nữ quyền; họ có thể làm việc, sáng lập, điều hành nhiều chương trình, dự án, tổ chức, cơ quan… mang lại phúc lợi, bảo vệ và tôn vinh phụ nữ. Họ có thể là những người nắm giữ vị trí quan trọng trọng các tổ chức chính trị, cơ quan Nhà nước. Từ đó, tạo sự cân bằng trong phát triển xã hội. Người phụ nữ hiện đại không còn phải thấp thoáng sau khung cửa, núp sau bóng các đức lang quân mà đàng hoàng bước trên con đường của sự sáng tạo, của sự phát triển.
Phụ nữ trong chế độ xưa theo đuổi chuẩn mực: “Công – dung – ngôn – hạnh”; bước sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ Việt được tôn vinh với 8 chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Và trong thời đại 4.0, 4 phẩm chất – “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” là sự kế thừa và phát huy giá trị, phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt. Sự kế thừa và phát huy ấy vừa phù hợp vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi thay trong thời đại mới, trong đó, sự tự tin, tự trọng của người phụ nữ được coi trọng, đưa lên hàng đầu.
– Chị có cảm thấy những điều đó quá sức với mình, ngay như cân bằng được “việc nước – việc nhà” vô hình chung đặt lên vai người phụ nữ hiện đại áp lực lớn không?
Chị Quế mỉm cười nói: Vòng quay thời gian của người phụ nữ hiện đại cũng giống như nam giới, song quỹ thời gian cho các “đầu việc” lại bị phân tán bởi rất nhiều việc, sắm nhiều vai. Bài toán quản trị thời gian luôn cảm thấy khó tìm đáp số trùng với dự tính, phải mất một thời gian, chị Quế mới biết cách phân bổ thời gian hợp lý. Nhưng chị thấy vui với điều đó, vẫn sống với nguồn năng lượng ấy mỗi ngày.
Từ thực tế cuộc sống, bản thân chị Quế tìm cách điều chỉnh dần sao cho hợp lý trong sắp xếp, bố trí, ưu tiên các công việc trong quỹ thời gian mình có. Trong gia đình, có sự thống nhất với các thành viên hỗ trợ nhau những công việc phù hợp với mỗi người vừa tạo sự liên kết, tạo niềm vui lao động cho mỗi cá nhân, giúp các con biết trân trọng thành quả lao động dù nhỏ nhất. Cuối tuần hoặc bất kỳ lúc nào có thời gian, gia đình tổ chức những chuyến đi nhỏ, ngắn để khám phá thế giới xung quanh và có cơ hội hiểu nhau hơn. Về việc xã hội, tôi coi việc cơ quan là việc chính, đặt ưu tiên để hoàn thành, sau đó mới đến việc khác. Dù bận rộn, song tôi luôn chú ý việc chuyên môn (giảng dạy, nghiên cứu khoa học), tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị công tác, tạo ra những chuyến “du lịch học thuật/công vụ”… vừa giao lưu, trao đổi chuyên môn, học thuật, vừa thư giãn bản thân sau những lúc căng thẳng, mệt mỏi… Đó chính là sự cân bằng. Công việc startup, cũng tạo niềm vui riêng, tạo thêm mối quan hệ tình thân qua sản phẩm của mình.
Câu chuyện của chị Quế, có thể không trùng khớp với mỗi người trong số phận, cá tính, hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, sự dung hòa giữa cảm xúc và lý trí, lao động – cống hiến và hưởng thụ thành quả, đề cao tính khoa học, thực tiễn, nguồn năng lượng tích cực, yêu thích sáng tạo ấy là điều những người phụ nữ hiện đại cần hướng tới. Từ thực tiễn cuộc sống, nhìn từ các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu được vinh danh trên khắp các mặt trận. Chỉ cần tinh tế nhìn sâu hơn vào mỗi nếp nhà, nơi mỗi người vợ đang tận tâm, khéo léo “thắp lửa” và “giữ lửa” để thấy phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt đã, đang và sẽ được kế thừa, phát huy.
Là cơ quan bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi và lợi ích của phụ nữ, nâng cao vai trò, địa vị của phụ nữ trong xã hội và đóng góp vào sự phát triển toàn diện của phụ nữ, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm thúc đẩy cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” có sức lan tỏa, đi vào chiều sâu, hiệu quả cao.
Hằng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội cụ thể hóa nội dung rèn luyện gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các nhiệm vụ trọng tâm của hội. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, với nội dung phong phú, sinh động, hấp dẫn thu hút được đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Bên cạnh công tác tuyên truyền, hội đã xây dựng được nhiều mô hình hay, truyền thông thay đổi hành vi được các cấp hội chú trọng, nhiều cách làm hay phù hợp theo vùng miền…
Hội tích cực triển khai xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu thời đại mới với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới như: tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, đề xuất các chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức hội trong quan hệ đối ngoại…
Mỗi người phụ nữ đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu để tự mình viết nên cuốn sách hấp dẫn, đầy thú vị về hành trình sống, cống hiến và phát triển giữa nhịp sống hiện đại, trong thời đại 4.0.
Hoàng Linh