Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa nằm trong vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh và là cửa ngõ vùng tự do, vừa là hậu phương của kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là Đảng bộ Thanh Hóa, quân và dân Thanh Hóa thực hiện đường lối Kháng chiến – Kiến quốc, đoàn kết vượt qua mọi hy sinh gian khổ, xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa vững mạnh, chi viện kịp thời, đầy đủ cho chiến trường.
Hội LHPN phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) trong trang phục áo dài truyền thống diễu hành chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong hàng ngàn, hàng vạn phụ nữ Thanh Hóa thời đó, có cụ bà Nguyễn Thị Nên ở xã Tượng Lĩnh (Nông Cống) đã tham gia 2 đợt phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần 1 vào năm 1953 và lần 2 vào năm 1954. Có lần, khi tải đạn đến địa phận đất Hòa Bình thì nghe tin chiến thắng báo về. Cụ Nên kể: “Nhận được tin, chúng tôi vui sướng vô cùng. Mọi người vừa cười, vừa ôm nhau khóc. Không gì có thể diễn tả được niềm vui chiến thắng. Bao năm vất vả tải hàng hóa, vũ khí đạn dược phục vụ kháng chiến, phải ăn cơm gạo nát chấm muối trắng, lội qua khe suối tránh bom đạn, những cơn sốt rét hành hạ… tất cả được đền đáp xứng đáng khi đánh thắng thực dân Pháp”. Sau khi trở về địa phương, cụ Nên được người dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội phụ nữ và làm công tác bảo hộ tại trường học.
Phục vụ kháng chiến chống Pháp, hàng nghìn nữ thanh niên các vùng quê Thanh Hóa đã tham gia thanh niên xung phong, dân công vận tải, dân công hỏa tuyến… và vượt qua nhiều thử thách gian khổ, hiểm nguy để làm đường, vận chuyển lương thực bằng đôi quang gánh dập dìu trên những con đường gập ghềnh, cheo leo qua núi đồi, suối sâu trong đêm tối, chỉ có ánh trăng soi đường, nhiều lúc họ phải nín thở, im lặng, thận trọng từng bước chân để tránh bị lộ.
Cùng với những phụ nữ phục vụ nơi chiến tuyến, nhiều phụ nữ ở hậu phương cũng lặng thầm hy sinh, đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến lịch sử, trong đó có cụ Vũ Thị Niên (91 tuổi) ở xã Tế Nông (Nông Cống). Cụ Niên nên duyên vợ chồng với cựu thanh niên xung phong Lê Văn Du, người cùng quê và cùng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời còn son trẻ, cụ Niên tần tảo lao động, tích góp lương thực hỗ trợ kháng chiến và đợi người bạn đời của mình trở về. Hai cụ lần lượt có 6 người con, các con phương trưởng, thành đạt, các cháu, chắt mạnh khỏe, hiếu thảo… và còn thường xuyên làm công tác từ thiện tại thôn, xã vì tình đồng đội, nghĩa xóm giềng.
Dù ở hậu phương hay ra tiền tuyến, phụ nữ Thanh Hóa gặp muôn vàn gian khổ nhưng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, động viên, chia sẻ, cùng nhau vượt qua. Ở hậu phương, những người mẹ, người chị, người vợ, em gái đã gửi những lá thư động viên các chiến sĩ nơi chiến trường trở thành sức mạnh tiếp sức cho bộ đội. Với quyết tâm huy động sức người, sức của tới mức tối đa cho chiến trường, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đợt vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ đợt III, dân công Thanh Hóa chiếm tới 80% và trong đó có tới 25.000 chiến sĩ nữ. Đã có nhiều tấm gương sáng của phụ nữ Thanh Hóa phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ được Chính phủ và Hồ Chủ tịch khen thưởng.
Tự hào với những chiến công góp phần làm nên Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, trấn động địa đầu”, cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang viết tiếp mạch nguồn truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện có hiệu quả phong trào, hoạt động hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa không chỉ đẹp trong thời kỳ kháng chiến mà đẹp trong cả thời bình, đẹp trong mắt bạn bè quốc tế với các phẩm chất “yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”.
Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã tham gia các hoạt động về nguồn, tri ân; đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo khí thế thi đua sôi nổi, trong đó, Hội LHPN tỉnh hưởng ứng các hoạt động về nguồn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam: “Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên” tri ân anh hùng, liệt sĩ; tham gia hội nghị “Thắm mãi tình quân dân” tại TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên; liên hoan các mô hình, hoạt động sáng tạo, phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và đoạt giải ba.
Các hoạt động trên nhằm khắc họa công lao của phụ nữ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và tiếp tục khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của phụ nữ Việt Nam; đồng thời phát huy hơn nữa niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ chiến sĩ và Nhân dân. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong thời đại mới, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.
Bài và ảnh: Lê Hà